10 năm chật vật đưa cổ phiếu về mệnh
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) được bà Đặng Thị Hoàng Yến thành lập năm 1993 và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) từ năm 1996 tới nay. Trong suốt thập niên 2000, bà Yến cùng với em trai là ông Đặng Thành Tâm từng được gọi là "ông hoàng, bà hoàng khu công nghiệp". Đặc biệt, trong những năm 2008-2010, ITA ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng với lợi nhuận cả trăm tỷ.
Thế nhưng, doanh thu và lợi nhuận của ITA đột ngột quay đầu giảm mạnh từ năm 2011 – mở đầu cho một thập kỷ kinh doanh chật vật với sự vắng bóng của nữ Chủ tịch HĐQT.
Thậm chí, ITA từng bị ví như "nhà hoang vô chủ" khi trong suốt thời gian 10 năm cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá (từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2021) và có thời điểm còn chưa đến 2.000 đồng/cổ phiếu, cũng là thời gian vắng bóng liên tục của nữ Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).
Xuất hiện trở lại trong kỳ họp ĐHĐCĐ năm 2020, bà Yến tuyên bố mạnh mẽ sẽ vực dậy ITA. Một năm sau đó, tại ĐHĐCĐ năm 2021, nữ Chủ tịch ITA tiếp tục hứa hẹn các liên doanh tại Mỹ sẽ chắp cánh cho ITA, bà cũng đổi sang một cái tên hoàn toàn mới "Maya Dangales", thay vì Đặng Thị Hoàng Yến
Tại kỳ đại hội này, nữ Chủ tịch ITA cho biết bà tin tưởng năm 2022, ITA sẽ trở lại thời hoàng kim và trở thành một trong những cổ phiếu sẽ đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế. Đồng thời, bà khẳng định sẽ lãnh đạo ITA để sớm đền đáp lại sự ủng hộ, lòng trung thành của các cổ đông và nhà đầu tư.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2017, ông Đặng Thành Tâm, khi đó thay mặt chị gái làm chủ tọa, điều hành cuộc họp đã quả quyết với cổ đông rằng "cổ phiếu ITA sẽ tăng về mệnh giá là thấp nhất". Tuy nhiên, phải hơn 4 năm sau lời hứa của ông Tâm mới thành hiện thực.
Từ giữa tháng 7/2021 đến đầu năm 2022, cổ phiếu ITA từ mức thị giá tương đương với cốc trà đá đã ghi nhận giai đoạn tăng phi mã hơn 3 lần, bắt đầu từ mức 5.700 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, từ đầu tháng 11/2021, sau khi về mệnh, cổ phiếu ITA đã chứng kiến chuỗi tăng liên tục hơn 80% trong chưa đầy hai tháng lên mức đỉnh 18.550 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 1/2022.
Cổ phiếu ITA tăng phi mã hơn 3 lần từ mức 5.700 đồng/cổ phiếu vào tháng 7/2021 lên 18.550 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022
Cùng với đà tăng của giá cổ phiếu, năm 2021 cũng báo lãi kỷ lục sau một thập kỷ khó khăn. Theo đó, năm 2021, nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp ghi nhận hơn 936 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 44% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2020.
Tuy nhiên, bước sang quý 1/2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu từ kinh doanh bất động sản của công ty đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, mảng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong cùng kỳ, giảm hơn 96%, còn 5 tỷ đồng. Hệ quả, doanh thu thuần giảm 64%, về mức 30 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, ITA báo lãi ròng quý 1/2022 giảm 70%, còn hơn 16 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ITA đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu hơn 777 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 187 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,6% và gần 30% so với năm ngoái. Trong đó, nguồn thu chủ yếu từ cho thuê mặt bằng khoảng 633 tỷ đồng, còn lại là thu từ cung cấp dịch vụ.
Hứa sẽ đưa ITA trở lại thời hoàng kim trong năm 2022 nhưng ban lãnh đạo đặt kế hoạch doanh thu vào lợi nhuận năm nay đều thấp hơn năm 2021
Có thể thấy, với kế hoạch như trên, việc thực hiện lời hứa "năm 2022 sẽ đưa ITA trở lại thời hoàng kim và trở thành một trong những cổ phiếu sẽ đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế" của Chủ tịch HĐQT ITA đang gặp không ít thách thức, nhất là khi gần đây có thông tin tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Tân Tạo.
Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 6/7/2021, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cũng có nhiều sai phạm tại khu công nghiệp Tân Tạo hiện hữu (hơn 161 ha) và khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng (gần 183 ha).
"Gáo nước lạnh" buộc phá sản và lời giải thích của Chủ tịch HĐQT
Ngày 26/6, một trang thông tin điện tử đăng tải bài viết với tiêu đề "Có quyết định mở thủ tục phá sản, sau 4 năm doanh nghiệp vẫn phớt lờ" đề cập đến quyết định mở thủ tục phá sản ngày 25/1/2018 của Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM và quyết định ngày 15/4 chỉ định quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản của ITA.
Ngay sau thông tin này, cổ phiếu ITA đã bị "bán tháo" trong 2 phiên giao dịch ngày 27 và 28/6, khiến mã này giảm xuống chỉ còn chưa đầy 8.000 đồng/cổ phiếu. Và chốt phiên ngày 5/7, mã này chỉ còn 7.700 đồng/cổ phiếu.
Liên quan đến thông tin về việc buộc phá sản, ngày 28/6, Chủ tịch HĐQT Tân Tạo, bà Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas), đã có đơn giải thích về vụ việc này. Theo bà Yến, vào tháng 5 và tháng 6 năm 2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi nhiều công văn yêu cầu Công ty Tân Tạo công bố thông tin tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tân Tạo.
Quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án đối với ITA dựa trên đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Quốc Linh (Quốc Linh).
Tuy nhiên, do Quốc Linh không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự, mà yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc ITA phải thanh toán cho Quốc Linh theo Bản án xét xử năm 2017 là hơn 21 tỷ đồng, và xét xử lại năm 2021 là gần 28 tỷ đồng.
Hiện ITA đang đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm ngày 5/1/2021 của TAND tỉnh Long An và Bản án sơ thẩm ngày 18/9/2020 của TAND huyện Đức Hòa (Long An), theo thủ tục giám đốc thẩm tại TAND Cấp cao tại TPHCM. Nguyên nhân là do ITA cho rằng đã có nhiều điểm sai trong hai bản án trên.
Theo bà Yến, ITA và Quốc Linh không có giao dịch kinh tế, ITA chỉ đóng vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, CTCP Phát triển đô thị Việt Nam (VietNam Land) và Quốc Linh đã ký các hợp đồng kinh tế để bơm cát san lấp Khu công nghiệp Tân Đức (Long An). Tuy nhiên, đến tháng 5/2020, Tổng giám đốc VietNam Land đã bị sa thải vì móc nối với các nhà thầu, kê khống khối lượng lên nhiều lần rồi rút tiền chia nhau. Hiện ông này đã bỏ trốn về Mỹ.
Ngày 9/12/2011, Quốc Linh có đơn khởi kiện VietNam Land tại TAND huyện Đức Hòa, yêu cầu doanh nghiệp này phải trả cho Quốc Linh số tiền hơn 14 tỷ đồng, bao gồm: tiền nợ gốc, tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền mua vật tư xây dựng.
Đến ngày 20/9/2014, ITA bắt đầu bị liên đới sau khi Quốc Linh có đơn khởi kiện bổ sung, với nội dung yêu cầu ITA thanh toán cho doanh nghiệp số tiền hơn 14 tỷ đồng, vì ITA đang sở hữu, hưởng lợi cát của Quốc Linh. Nếu ITA không thực hiện việc trả tiền, thì đề nghị Tòa án tuyên hủy hợp đồng bán cát ngày 30-12-2009 để Quốc Linh thu hồi số cát chưa thanh toán.
Trong quá trình xét xử, ITA đã yêu cầu Quốc Linh xác định rõ vị trí đã thực hiện san lấp, để ITA cho xét nghiệm mẫu cát đất san lấp tại vị trí này và đối chứng với mỏ đất mà Quốc Linh đã khai rằng họ mua để thực hiện hợp đồng san lấp. Tuy nhiên, cả 3 lần ra hiện trường trước sự làm chứng của công ty tư vấn giám sát, Quốc Linh không chỉ ra được vị trí bơm cát mà họ đang khởi kiện đòi nợ. Dù vậy, ITA lại nhận được biên bản của Quốc Linh được 1 thẩm phán tòa án ký xác nhận Quốc Linh có san lấp cho khu công nghiệp Tân Đức.
Theo lãnh đạo ITA, dù có những dấu hiệu bất thường nêu trên, nhưng đến ngày 16/1/2017, TAND huyện Đức Hòa tuyên án sơ thẩm buộc ITA liên đới cùng VietNam Land có trách nhiệm thanh toán cho Quốc Linh số tiền hơn 21 tỷ đồng, gồm hơn 14 tỷ đồng nợ gốc và hơn 7 tỷ đồng lãi vay.
Sau quyết định của TAND huyện Đức Hòa, ITA đã có đơn kháng cáo phúc thẩm gửi đến TAND tỉnh Long An. Thế nhưng, đến tháng 5/2017, bản án phúc thẩm đưa ra cũng không thay đổi nhiều so với bản án sơ thẩm trước đó. Tiếp đến tháng 6/2017, ITA tiếp tục có đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi TAND Cấp cao tại TPHCM. Kết quả, ngày 4/7-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời đưa về xét xử lại từ cấp sơ thẩm.
Như vậy theo Chủ tịch HĐQT ITA, việc buộc phá sản ITA là hết sức vô lý, bởi ITA có tài sản hơn 13.000 tỷ đồng, trong khi số tiền mà TAND huyện Đức Hòa buộc doanh nghiệp chi trả chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản.
Về phía Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), sau khi nhận được thông tin liên quan đến việc mở thủ tục phá sản ITA của TAND TP.HCM, HoSE đã gửi Công văn 892 ngày 23/5 yêu cầu ITA xác minh và công bố thông tin.
Qua quá trình trao đổi với ITA bằng văn bản, ngày 14/6, HoSE đã có cuộc họp với đại diện ITA để làm rõ yêu cầu thực hiện công bố thông tin các quyết định của tòa án theo quy định. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, HoSE vẫn chưa nhận được công bố thông tin từ ITA.
Mới đây, HoSE tiếp tục nhắc nhở và yêu cầu ITA xác nhận thông tin và công bố trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được công văn trên, các quyết định của tòa án theo quy định cùng những thông tin có liên quan đến quá trình xử lý vụ việc trong những năm qua để đảm bảo quyền lợi của cổ đông được tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ phía ITA. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo ITA vẫn "phớt lờ" không hồi đáp, ngoài tờ đơn "kêu cứu" được bà Yến gửi về từ… Mỹ.