Trong báo cáo thường niên năm 2022 mới đây của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT công ty đã có những thông điệp gửi đến khách hàng, cổ đông và nhân viên của doanh nghiệp.
Ông Tài cho biết, năm 2022, Tập đoàn đã trải qua một năm đầy thách thức do yếu tố khách quan là tình hình vĩ mô không thuận lợi và cả nguyên nhân chủ quan từ quyết định tái cấu trúc quyết liệt.
Sau nhiều năm tăng trưởng cao và liên tục dồn sức cho mở rộng, những “cơn gió ngược” trong năm 2022 được vị Chủ tịch doanh nghiệp này nhìn nhận là cơ hội để công ty tập trung rà soát hoạt động kinh doanh và củng cố nội lực.
Theo nhận định của lãnh đạo doanh nghiệp, năm 2023, những bất ổn kinh tế, xung đột địa – chính trị, vấn đề thiếu hụt năng lượng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên các yếu tố lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, việc làm… Do đó, tâm lý tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong năm nay.
Bên cạnh đó, các diễn biến vĩ mô bất lợi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi đó, các doanh nghiệp không đủ sức chống chịu, không có khả năng cạnh tranh sẽ phải rời khỏi thị trường.
Thực tế, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm nay, cả nước đã có 51.400 daonh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 37.900 doanh nghiệp.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn và lợi nhuận của doanh nghiệp khó có thể cao được.
Bên cạnh đó, dù hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994.200 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về việc giữ được sự phục hồi của sức mua nội địa.
Bởi nếu xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục yếu, công nhân khu công nghiệp tiếp tục bị cắt giảm giờ làm dẫn đến thu nhập giảm thì sức mua của người lao động khu công nghiệp cũng cũng sẽ bị yếu đi.
Còn theo SSI Research, nhu cầu tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ ảm đạm trong nửa đầu năm nay do những khó khăn về kinh tế vĩ mô và người tiêu dùng đang tiềm kiếm các đợt giảm giá sâu, cùng với đó là xu hướng mua hàng giá rẻ.
Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu cũng đang diễn ra. Khách hàng lựa chọn mua các sản phẩm thay thế, có cùng công dụng nhưng mức giá thấp hơn.
Tái cấu trúc hoạt động trong bối cảnh khó khăn
Trong hai tháng đầu năm, Thế Giới Di Động cho biết doanh thu đạt 25.383 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái và không công bố con số lợi nhuận như các báo cáo định kỳ hàng tháng trước.
Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ về sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn so với dự báo của doanh nghiệp. Tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao đang diễn ra ngay cả với nhóm khách hàng trung - cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước nững thách thức của nền kinh tế. Nhóm khách hàng thu nhập thấp cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp.
Trước bối cảnh đó, năm 2023, Thể Giới Di Động dự kiến trình lên ĐHĐCĐ kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn với doanh thu thuần 135.000 tỷ đồng (tăng 1%) và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng (tăng 2%).
Kế hoạch kinh doanh được công ty đưa ra dựa trên tình hình hiện tại và giả định sức mua sẽ có sự hồi phục tích cực từ quý III/2023.
Năm nay, doanh nghiệp còn có kế hoạch tái cấu trúc mạnh mẽ đối với các mảng kinh doanh không hiệu quả. Trong cuộc họp với nhà đầu tư hồi đầu năm, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT công ty, cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia sau 6 năm hoạt động vào quý I/2023. Ông cho biết thị trường này quá nhỏ và có những chính sách thuế phức tạp nên sẽ để dồn lực sang thị trường khác.
Doanh nghiệp cũng cho biết chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi của hàng AVA Kids tại Việt Nam sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những của hàng có lợi nhuận dương. Năm 2023, doanh nghiệp sẽ tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí vận hành để cải thiệu hiệu suất hoạt động và giảm lỗ.
Chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) doanh nghiệp sẽ cải thiện về hoạt động kho vận, logistic và vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, đạt điểm hoà vốn vào cuối năm nay.
Trong khi đó, với hai chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, doanh nghiệp xác định biên lợi nhuận gộp sẽ thấp hơn giai đoạn 2021-2022 bởi sức mua yếu và sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giảm giá để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, công ty cũng vừa bổ sung tờ trình lên ĐHĐCĐ về việc chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt (tương ứng 500 đồng/cổ phiếu). Công ty không có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu như những năm trước. Đây là mức chia cổ tức thấp nhất trong những năm gần đây của MWG. Trước đó, năm 2021, công ty từng chia cổ tức với tổng tỷ lệ lên đến 110%, gồm 10% bằng tiền và 100% bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, MWG dự kiến sẽ thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ trong năm nay nếu tình hình dòng tiền và giá cổ phiếu phù hợp.