Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng nhà nước đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản,…
Liên quan đến hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là do ảnh hưởng của COVID-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng là trái chủ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng cần đánh giá kỹ xem trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến đâu, từ đó mới xem xét cho kéo dài Nghị quyết 42 hay không, nếu có thì cho bao lâu, theo Báo Đầu tư.
Nghị quyết 42 này không thể tồn tại mãi được, đã có phương án cho xây dựng Luật Xử lý nợ xấu rồi mà sao vẫn đề xuất kéo dài, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Nợ xấu liên quan đến cho vay BOT, dự án Quốc lộ 1 là vấn đề các bộ nói nhiều rồi, bây giờ phải nhìn thẳng vào xem là bao nhiêu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu riêng phát hành năm 2021 đã hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% thuộc về lĩnh vực bất động sản. Trong khi nợ đến hạn phải trả năm nay tương đương khoảng 19-20% tổng dư nợ.
"Các doanh nghiệp đến giai đoạn đến hạn thường phát hành trái phiếu để đảo nợ. Bây giờ mấy doanh nghiệp đang khó khăn về COVID-19 thì có vay được không để trả nợ.Trái phiếu doanh nghiệp cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chỉ kéo dài Nghị quyết 42 tối đa đến 31/12/2023
Cho ý kiến tại phiên họp, do chưa có tiền lệ về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết thí điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn thực hiện đối với toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.
Tuy nhiên, không đồng tình đề xuất dự kiến thời gian kéo dài hiệu lực của Nghị quyết là 2 năm, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42 chỉ đến ngày 31/12/2023.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần có đề xuất, định hướng cụ thể đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. “Luật Xử lý nợ xấu hay Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ là lúc cấp bách, nhất thời trong lúc nền kinh tế khó khăn, nợ xấu quá mức mới phải có chính sách đặc biệt.
Đối với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị kéo dài toàn văn nghị quyết, bổ sung thêm căn cứ kéo dài. Thời hạn kéo dài chỉ tối đa đến 31/12/2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.