Mảng xuất khẩu: Biên lợi nhuận không cao nhưng công việc đều, thanh toán tốt
Sau khi nhận được khoản đầu tư 90 triệu USD từ liên doanh VinaCapital – DEG và tập đoàn Sumitomo Forestry, doanh thu của CTCP gỗ An Cường (Mã: ACG) đã tăng 3 năm liên tiếp.
Năm 2019, doanh thu thuần của gỗ An Cường 4.434 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này công khai kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2019 lại giảm 4%, xuống còn 486 tỷ đồng.
Đại dịch COVID-19 đã kéo doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021.
Năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của gỗ An Cường đạt 3.293 tỷ đồng và 451 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 8% so với năm 2020. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 27,1% lên 27,2%.
Mảng xuất khẩu đạt 508 tỷ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu, biên lợi nhuận gộp khoảng 6,3%. Trong khi, bán hàng trong nước đạt 2.785 tỷ đồng, chiếm 85% tổng doanh thu, biên lợi nhuận gộp đạt 31%.
Thực tế, biên lợi nhuận của mảng xuất khẩu năm 2021 thấp hơn nhiều so với mảng bán hàng nội địa. Một số cổ đông đặt câu hỏi liệu gỗ An Cường có tiếp tục chiến lược xuất khẩu?
Lý giải vấn đề này, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ An Cường cho biết dù biên lợi nhuận của mảng xuất khẩu không cao nhưng việc bán hàng khá thuận lợi, công việc chạy đều và thanh toán tốt.
“Việc bán hàng xuất khẩu là nguồn thu ngoại tệ tốt cho An Cường. Xuất khẩu chúng ta làm rất khỏe, chỉ 1 hợp đồng ký được 5-10 triệu USD ngay, trong khi trong nước cạnh tranh nảy lửa mới có được doanh thu này”, ông Nghĩa nói.
Ngoài yếu tố doanh thu, Chủ tịch gỗ An Cường cũng cho rằng việc doanh nghiệp này muốn gia tăng xuất khẩu để nâng cao trình độ, tay nghề của công nhân và công suất nhà máy.
“Đối với một nhà máy sản xuất việc chạy hết công suất là rất quan trọng. Do đó, tôi cho rằng, sắp tới gỗ An Cường vẫn tiếp tục phát triển mạnh mảng xuất khẩu” ông Nghĩa khẳng định.
Hậu COVID-19, nhu cầu nhập khẩu gỗ và nội thất ở cả mảng xuất khẩu và nội địa đều tăng bật. Điều này giúp kết quả kinh doanh của gỗ An Cường tiến triển khả quan.
Trong báo cáo thăm doanh nghiệp của CTCP Chứng khoán VNDirect, lãnh đạo gỗ An Cường cho biết doanh thu 4 tháng đầu năm đạt 1.187 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 168 tỷ đồng; tăng lần lượt 13% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh kỳ này đã được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hoạt động kinh doanh của công ty đã phục hồi và lấy lại nhịp tăng trưởng sau khi COVID – 19 đã được kiểm soát đồng thời nhờ việc kiểm soát tốt chi phí phát sinh trong kỳ.
Năm 2022, Gỗ An Cường mục tiêu doanh thu đạt 4.242 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 551 tỷ đồng, tương ứng tăng 29% và 22% so với thực hiện năm ngoái. Kết thúc 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đạt 28% kế hoạch doanh thu và 30,5% mục tiêu lợi nhuận.
Chủ tịch gỗ An Cường đánh giá: “Đây là một kế hoạch lợi nhuận thận trọng sau thời kỳ hậu COVID-19. Tuy nhiên, cùng với dự án bất động sản của Thắng Lợi, tôi tin rằng An Cường có thể đạt được lợi nhuận ở mức cao hơn kế hoạch”.
Về mục tiêu lâu dài, ông Lê Đức Nghĩa kỳ vọng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ tăng từ 30 triệu USD/năm lên 50 triệu USD/năm vào năm 2024, đứng trong top 10 nhà cung cấp gỗ công nghiệp của châu Á.
Gỗ An Cường chọn thị trường Mỹ làm tâm điểm
Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ sang Mỹ đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Là một trong những thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, Mỹ được coi là miền đất hứa mà bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu nào của Việt Nam đều muốn đặt chân. Và gỗ An Cường không phải ngoại lệ.
Ông Lê Đức Nghĩa chia sẻ: “Vừa rồi, tôi có cử giám đốc xuất khẩu của An Cường đi Mỹ để tìm kiếm thêm đối tác nhằm phát triển mạnh hơn thị trường này. Định hướng của chúng tôi giống Vinfast là hợp tác với một số đối tác ở Mỹ để phát triển theo hướng German hoặc Italy style vì nếu làm theo kiểu truyền thống thì chắc chắn không cạnh tranh được”.
Giai đoạn 2015 cho đến nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh và mạnh. Tuy nhiên, thị trường càng hấp dẫn càng lắm rủi ro.
Đầu tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn cáo buộc doanh nghiệp Việt sử dụng các bộ phận gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi áp dụng của biện phá phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng.
Nhiều nhà đầu tư lo lắng quyết định này của DOC sẽ liên đới đến các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu sang Mỹ như gỗ An Cường.
Nhìn từ vụ việc này, ông Lê Viết Nghĩa cho biết DOC điều tra hàng hóa của các doanh nghiệp có vi phạm về xuất xứ, tức là mang xuất xứ Việt Nam nhưng thực chất hầu như hoàn toàn sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu về Việt Nam để lắp ráp, gia công, đóng gói những công đoạn cuối cùng. Việc điều tra, đánh thuế không áp dụng với toàn bộ ngành hàng.
“Tỷ lệ nguyên liệu và quy trình sản xuất sản phẩm chủ yếu mang xuất xứ Việt Nam. Do vậy, chúng tôi không quan ngại vấn đề này. Tuy nhiên, An Cường vẫn tiếp tục bám sát các diễn biến cụ thể của vụ việc điều tra”, ông Nghĩa nói.
Theo Chủ tịch gỗ An Cường, nguyên liệu của doanh nghiệp này khá ổn định, 50% nguyên liệu đầu vào đến từ Tập đoàn Sumitomo.
Tập đoàn này có nhà máy tại Long An sản xuất nguyên liệu từ cây cử tràm theo hướng vừa khai thác vừa tái tạo. Nguyên liệu làm tấm MDF, PB chủ yếu từ cảnh, ngọn, rễ của cừ tràm nước mặn và cao su, tức là, những phụ phẩm của cây. Do đó, gỗ An Cường có thể chủ động về nguồn nguyên liệu trong vòng 5- 10 năm tới.
Trái với sự hào hứng ở thị trường Mỹ, Chủ tịch An Cường bỏ ngỏ kế hoạch mở rộng thị trường tại châu Á vì ông cho rằng bản thân các nước châu Á đã làm gỗ công nghiệp và nội thất rất tốt, nếu xuất khẩu sang các thị trường này sẽ rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp địa phương.