Tại phiên họp thường niên sáng 25/4, cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) chất vấn ban lãnh đạo về lý do giá cổ phiếu năm ngoái có lúc xuống 23.450 đồng - mức thấp nhất từ khi niêm yết.
"Nhiều cổ đông thua lỗ, thậm chí phá sản nhưng chúng tôi không thấy thông tin trấn an nào từ ban lãnh đạo", cổ đông nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons Bolat Duisenov cho rằng khoảng tháng 11/2022, cổ phiếu vận động theo xu hướng thị trường. Ông không thể trực tiếp trao đổi với từng cổ đông, nhưng thông qua các buổi đối thoại trực tuyến đều luôn khẳng định triển vọng dài hạn tích cực. Giá cổ phiếu đến nay hồi phục mạnh so với vùng đáy cách đây nửa năm, hiện giao dịch quanh 57.000 đồng.
Ông Bolat nói thêm ban lãnh đạo đang chạy đua với mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và giá trị vốn hoá thị trường một tỷ USD trong hai năm tới nên rất nhiều việc phải quán xuyến. Tuy nhiên, công ty luôn lắng nghe và không bỏ rơi cổ đông.
Ông dẫn chứng điều này bằng tờ trình phát hành gần 25 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3:1 (tức cổ đông đang sở hữu 3 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới) theo đề nghị của cổ đông. Số cổ phiếu sắp phát hành sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. "Bởi vậy, lần tới nếu cổ phiếu giảm, cổ đông nên mua thêm chứ đừng bán ra", ông Bolat nói.
Đây là lần thứ hai liên tiếp lãnh đạo Coteccons đối mặt với than phiền của cổ đông về giá cổ phiếu. Tại phiên họp thường niên năm ngoái, một số cổ đông cho biết khoản đầu tư vào CTD "bốc hơi" 75% chỉ trong một tháng vì sử dụng đòn bẩy tài chính. Khi đó, ông Bolat cũng khuyên nhà đầu tư phải nhìn vào dài hạn bởi thị trường chứng khoán không dành cho những người lướt sóng ngắn hạn.
Nhìn lại năm ngoái, ông Bolat cho biết mọi thứ cực kỳ khó khăn bởi sự lao dốc của thị trường bất động sản, kéo theo thu nhập của kỹ sư xây dựng lẫn cá nhân ông đều giảm. Sức ép từ giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục bào mòn lợi nhuận. Tuy nhiên, việc chắt chiu từng dự án và tập trung kiểm soát chi phí giúp công ty tăng 60% doanh thu lên trên 14.500 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 21 tỷ đồng. Nếu loại trừ chi phí trích lập dự phòng, công ty ước lãi có thể đạt trên 300 tỷ đồng.
Năm nay, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 16.249 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, tương ứng tăng 12% và hơn 1.000% so với năm ngoái. Kế hoạch này đã bao gồm chi phí trích lập dự phòng 172 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Coteccons Võ Hoàng Lâm nhận định "đây là chỉ tiêu khá cao" và đi ngược với mục tiêu tăng trưởng âm của những doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng hoàn thành rất lớn bởi công ty đã có hợp đồng ký trước (backlog) năm nay hơn 17.000 tỷ đồng.
Quý đầu năm, Coteccons ghi nhận doanh thu xấp xỉ 3.130 tỷ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 24% xuống 22 tỷ đồng. Ông Lâm nói rằng con số này phản ánh đúng thực trạng khó khăn của thị trường xây dựng, nhưng đã nằm trong dự liệu. Dự báo trong những quý cuối năm, doanh thu và lợi nhuận cải thiện dần.
Ngoài bám theo mục tiêu doanh thu, người đứng đầu ban điều hành Coteccons cho biết năm nay công ty còn nhiều đầu việc lớn để chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ vào 2025. Đó là chinh phục các mega-project (dự án có quy mô lớn, yêu cầu cao và tầm ảnh hưởng), theo đuổi các dự án hạ tầng, mở rộng tệp khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài và tăng doanh thu thông qua những dự án mới của khách hàng cũ.