Doanh nghiệp

Chính sách mới đứng sau cú "phi" của Petrolimex và PV OIL tạo nên cột mốc chưa từng có trong hơn 2 năm

PLX&OIL:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Ngày 04/07/2024, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ điều chỉnh 7 ngày. Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp kể từ giữa tháng 6, phản ánh đà tăng của giá dầu Brent.

Báo cáo của VietCap lưu ý, kỳ điều chỉnh giá lần này áp dụng chi phí kinh doanh định mức trên mỗi lít xăng dầu mới theo Công văn số 6808/BTC-QLG ngày 01/07/2024, thay thế Công văn số 6800/BTC-QLG ngày 30/06/2023 trước đó.

Theo đó:

- Chi phí kinh doanh định mức của xăng 95 tăng 60 đồng/lít lên 1.140 đồng/lít (+5,6% YoY; tăng gấp 2 lần mức tăng 30 đồng/lít năm trước).

- Chi phí kinh doanh định mức của diesel tăng 140 đồng/lít lên 1.170 đồng/lít (+13,6% YoY; gấp 4,7 lần mức tăng 30 đồng/lít năm trước).

- Chi phí kinh doanh định mức của dầu hỏa tăng 230 đồng/lít lên 1.180 đồng/lít (+24,2% YoY; năm trước không thay đổi).

- Chi phí kinh doanh định mức của mazut tăng 70 đồng/lít lên 430 đồng/lít (+19,4% YoY; năm trước
giảm 184 đồng/lít).


VietCap đánh giá, mức tăng này sẽ có tác động tích cực đáng kể đến các thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu như Tổng công ty dầu Việt Nam (PV OIL, mã chứng khoán OIL) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX), cho phép công ty đạt lợi nhuận gộp cao hơn trên mỗi lít bằng cách trang trải tốt hơn chi phí vận hành thực tế.

Chính sách mới đứng sau cú 'phi' của Petrolimex và PV OIL tạo nên cột mốc chưa từng có trong hơn 2 năm- Ảnh 1.

Trong khi đó, báo cáo phân tích của CTCK VNDIRECT đề cập đến lợi ích của 2 "ông lớn" phân phối xăng dầu nói trên từ việc Bộ Công Thương đã trình Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới lần thứ hai với những thay đổi quan trọng cơ chế xác định giá bán lẻ và chi phí kinh doanh/lợi nhuận định mức mới.

Theo đánh giá của CTCK VNDIRECT, Nghị định này sẽ cho phép các đầu mối kinh doanh xăng dầu: 1) tự quyết định giá bán lẻ dựa trên điều kiện của thị trường; và 2) kịp thời điều chỉnh chi phí kinh doanh cố định và lợi nhuận định mức (yếu tố ảnh hưởng chính đến LN gộp của PLX) trong giai đoạn giá dầu thế giới biến động mạnh.

Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ không trực tiếp tính toán ban hành giá cơ sở để xác định giá bán lẻ vì quá trình này có hai vấn đề.

Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước và mất nhiều thời gian.

Thứ hai, các thành phần trong giá cơ sở được tính theo các dữ liệu được hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài theo quý, khiến giá cơ sở không phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của thị trường.

Thay vào đó, nhà nước sẽ chỉ công bố giá thế giới bình quân trên cơ sở 7 ngày/lần (hoặc 15 ngày). Các thương nhân đầu mối xăng dầu sẽ căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức được quy định trong nghị định để công bố giá bán lẻ trên thị trường.

Ngoài ra, giá bán lẻ không được phép vượt quá giá tối đa được xác định theo công thức của nghị định mới (chỉ được phép vượt không
quá 2% giá tối đa đối với địa bàn xa cảng xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu khiến chi phí tăng cao).

Chính sách mới đứng sau cú 'phi' của Petrolimex và PV OIL tạo nên cột mốc chưa từng có trong hơn 2 năm- Ảnh 2.

"Do đó, chúng tôi kỳ vọng nghị định có thể có hiệu lực vào cuối năm 2024 và sẽ hỗ trợ biên LN gộp của PLX tăng 0,5% điểm lên 6,1%" - Báo cáo đánh giá.

Bên cạnh đó, một con số ước tính từ VNDIRECT cho biết, sản lượng xăng dầu của Petrolimex trong Q1/24 tăng hơn 10% so với cùng kỳ và cao hơn 18% so với sản lượng bán trung bình theo quý trong 5 năm qua.

Sản lượng tiêu thụ tăng đáng kể cho thấy có thể Petrolimex đã giành được thị phần từ các nhà phân phối nhỏ hơn khác, đặc biệt là từ một số thương nhân kinh doanh xăng dầu và nhà phân phối đã bị thu hồi giấy phép hoạt động trong thời gian gần đây như Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, Petrolimex cũng đã chia sẻ rằng tình hình này đã có tác động tích cực tới thị phần của doanh nghiệp. Nhờ vị thế thống lĩnh thị trường, Petrolimex có thể thu hút thêm các đại lý/tổng đại lý (DODO) khi họ tìm kiếm các thương nhân đầu mối đáng tin cậy.

Trong phiên giao dịch ngày 4/7, cổ phiếu PLX và OIL cùng tăng mạnh. Thị giá PLX tăng 4,9% lên mức 43.900 đồng/cp trong khi OIL tăng đến 13,6% lên 14.200 đồng/cp. Đây đều là mức giá cao nhất của 2 cổ phiếu này trong hơn 2 năm trở lại đây.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu PLX đã tăng 32% qua đó đẩy vốn hóa thị trường của Petrolimex lên gần 56.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Tương tự, cổ phiếu OIL cũng tăng 42% sau nửa năm, đẩy vốn hóa lên 14.600 tỷ đồng (hơn 500 triệu USD). Dù vậy, những con số này vẫn còn kém xa mức kỷ lục mà hai doanh nghiệp từng đạt được.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm