Ngày 18/5, phán quyết liên quan đến hai vụ kiện được đánh giá có thể định hình lại Internet đã được đưa ra. Theo đó, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố sẽ không thay đổi Điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ - lá chắn bảo vệ các công ty như Twitter, Facebook, Instagram, YouTube. Theo luật, các website hoặc dịch vụ lưu trữ nội dung không phải chịu trách nhiệm hay gặp rắc rối pháp lý với thông tin do người dùng đăng lên, chẳng hạn phần bình luận trong trang tin tức, dịch vụ video, mạng xã hội.
Trước đó, hai vụ kiện nhắm vào Google và Twitter đã thu hút sự chú ý lớn của giới công nghệ, người dùng và nhà lập pháp. Vụ kiện đầu tiên là của gia đình Nohemi Gonzalez, thiệt mạng trong cuộc tấn công của IS ở Paris năm 2015. Họ kiện YouTube, Facebook, Twitter và một số mạng xã hội vì đề xuất video khủng bố trên nền tảng. Vụ kiện thứ hai là của gia đình của Nawras Alassaf, tử vong trong cuộc tấn công của IS ở Istanbul năm 2017. Gia đình họ đã khởi kiện Twitter và một số nền tảng đã cho phép hiển thị nội dung của các nhóm khủng bố thay vì hạn chế chúng như chính sách đã đưa ra.
Cuối tháng 2, Tòa án Tối cao Mỹ bắt đầu các phiên tranh luận liên quan đến hai vụ kiện. Khi đó, giới phân tích tin rằng hai phiên tòa trên có thể khiến Điều 230 bị sửa đổi, từ đó sẽ thay đổi mạnh mẽ môi trường Internet.
Tuy nhiên phán quyết hôm 18/5 đã đứng về các hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon. Trong trường hợp Gonzalez, tòa án cho biết họ "từ chối giải quyết đơn" vì Điều 230 của Đạo luật bảo vệ các nền tảng khỏi phát ngôn của người dùng và cũng cho phép các dịch vụ kiểm duyệt hoặc xóa bài viết. Thẩm phán cho rằng đơn khiếu nại không đưa ra đủ lập luận thuyết phục về yêu cầu bồi thường. Tòa án tối cao sẽ trả vụ này về tòa cấp thấp hơn để xem xét.
Tương tự với vụ kiện Twitter, thẩm phán Clarence Thomas nói việc cáo buộc mạng xã hội tiếp tay cho khủng bố là không phù hợp. "Theo nguyên đơn, mạng xã hội đã thiết kế mà không có công cụ đủ mạnh để loại bỏ khủng bố khỏi nền tảng cũng như nội dung liên quan đến ISIS. Tuy nhiên các nguyên đơn đã không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào đáng kể cho thấy mạng xã hội cố ý tham gia vào cuộc tấn công, càng không thể cáo buộc mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho mọi cuộc tấn công của khủng bố", Thomas ra phán quyết.
Dù Tòa án tối cao đã ra quyết định có lợi cho các mạng xã hội, nhiều thành viên Quốc hội Mỹ vẫn muốn thay đổi lá chắn pháp lý này. Các nhà lập pháp coi Điều 230 là sự bảo vệ không cần thiết với một ngành công nghiệp lớn mạnh. Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng luật này cũng đang bảo vệ những mạng xã hội nhỏ hơn khỏi các vụ kiện tốn kém.
"Quyết định giữ nguyên điều luật lần này là một chiến thắng rõ ràng đối với việc kiểm duyệt nội dung và ngôn luận trực tuyến", Jess Miers, cố vấn pháp lý của Meta và Chamber of Progress do Google hậu thuẫn, cho biết.
Chris Marchese, Giám đốc trung tâm kiện tụng của NetChoice, gồm các thành viên như Google, Meta, Twitter và TikTok, cho rằng chính Điều 230 đã tạo nên Internet như ngày này. "Quyết định của Tòa án tối cao là chiến thắng giòn giã cho quyền tự do ngôn luận trên Internet", CNBC dẫn lời NetChoice.
(theo CNBC)