Sau tháng 9 đỏ lửa, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến điều chỉnh trong nửa đầu tháng 10. VN-Index rơi thêm gần 100 điểm tính đến hết phiên 12/10, tương đương giảm 8,6% so với cuối tháng 9 và mất tới 31% kể từ thời điểm đầu năm 2022.
Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index gần như không thể quay lại mức cao nhất đã đạt được vào tháng 4/2022.
Hiện tại thì vùng 950 - 1.000 điểm vẫn đang là vùng điểm số hỗ trợ gần nhất của thị trường và nhóm phân tích không kỳ vọng khả năng VN-Index rơi xuống dưới mức này mà chỉ số sẽ dao động trong vùng 1.000 – 1.200 điểm trong quý IV. Bên cạnh đó, chỉ số vẫn có thể ghi nhận một vài nhịp hồi phục nhỏ từ trạng thái quá bán nhưng các nhịp tăng tính từ đáy ngắn hạn sẽ khó vượt quá 100 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên cho cả năm 2022 cũng được dự báo giảm khoảng 17% so với năm 2021, tương ứng đạt khoảng 22.000 tỷ đồng/phiên trên toàn thị trường.
Với quan điểm "thích nghi để tồn tại", nhóm phân tích của VCBS đưa ra một số gợi ý đầu tư trong quý IV.
Một là, các cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, khi dòng tiền trên thị trường rút bớt đáng kể cùng với chi phí vốn gia tăng thì nhiều khả năng đây vẫn sẽ là nhóm ghi nhận diễn biến giá tiêu cực trong quý cuối cùng của năm 2022.
Tuy nhiên, một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho năm 2022 liên quan đến việc nhận tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém có thể là những điểm sáng hiếm hoi, đặc biệt là khi giá cổ phiếu đã chiết khấu đủ hấp dẫn.
Hai là, việc cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong lĩnh vực bất động sản cùng với khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng khiến cho triển vọng trong ngắn hạn của cả nhóm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp là kém khả quan.
Nhưng xét về dài hạn, VCBS cho rằng tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Tổng hợp lại các yếu tố, VCBS cho rằng trong giai đoạn này nhà đầu tư có thể sàng lọc ra những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang ở chu kỳ bán hàng (chứ không phải ở giai đoạn triển khai dự án) và lựa chọn thời điểm giải ngân khi thị trường hồi phục sau khi đã tạo lập thành công đáy trung hạn.
Ba là, với việc tổ chức OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm mục tiêu giữ giá dầu ở mức cao, đồng thời mùa đông năm nay ở châu Âu được dự báo sẽ đến sớm với nền nhiệt độ thấp hơn năm 2021, nhu cầu các sản phẩm năng lượng như dầu mỏ và khí đốt trên thị trường thế giới nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá cao mới, ít nhất là cho đến đầu năm sau. Đây có thể là những thông tin tích cực đối với nhóm phân bón và dầu khí trong ngắn hạn.
Bốn là, nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi rõ rệt trong nửa cuối năm nay, nhất là khi so sanh với mức nền rất thấp ở cùng thời điểm của năm 2021. Trong đó, VCBS tiếp tục nhấn mạnh vào nhóm doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa xa xỉ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội - đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trang sức kim loại quý.
Năm là, với nhà đầu tư cá nhân giải ngân cho mục tiêu đầu tư dài hạn trong năm 2023, VCBS cho rằng có thể cân nhắc tìm kiếm thêm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức/giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm.
Với các luận điểm nêu trên, danh mục cổ phiếu đầu tư trong quý IV bao gồm 5 mã là CSV, DPM, GAS, IDC, PNJ.
Chia sẻ về những nhóm ngành định giá tốt và tiềm năng tăng trưởng trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show), ông Hoàng Công Tuấn Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng chứng khoán là một trong những ngành có tiềm năng trong 3 tháng tới đây.
"Một khi thị trường chứng khoán đã đến mức định giá rất rẻ, bên cạnh đó chúng ta đang có hơn 5 triệu tài khoản, chỉ cần thị trường phục hồi chắc chắn thanh khoản và nhà đầu tư sẽ quay lại. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán cũng có thể trở về giai đoạn tăng trưởng mạnh".
Nhóm ngành thứ hai được chuyên gia lưu ý là ngành điện. Kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng dự kiến lên đến 8%, như vậy tăng trưởng tiêu thụ điện cũng sẽ ở mức độ cao. Ông Tuấn cho rằng nếu so sánh lợi suất cổ tức các công ty này trả chưa kể đến khả năng tăng trưởng trong tương lai đã hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm.
Nhóm ngành thứ ba liên quan đến bán lẻ, tiêu dùng. Ngân hàng nhà nước cũng như Chính phủ đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô nên tiêu dùng bán lẻ năm nay tăng trưởng rất mạnh.
Riêng với nhóm ngành ngân hàng, chuyên gia cho rằng nếu chúng ta mua trong thời điểm này và chờ đợi đến cuối 2023, khi mặt bằng lãi suất đã ổn định trở lại, tăng trưởng tín dụng có thể được nới rộng, các cổ phiếu nhà băng với định giá hợp lý có thể tăng trưởng tốt.