Bất động sản

Chiếm 1,9% diện tích cả nước nhưng đây là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam

- Đồng Nai là một trong 5 địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, cũng là trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước.

- Nửa đầu 2024, kinh tế Đồng Nai tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học đánh giá mô hình chất lượng tăng trưởng kinh tế Đồng Nai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết tỉnh nằm trong tứ giác phát triển kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ, gồm Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, có quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước.

Trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 55.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 1.600 dự án FDI và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước. Đồng Nai cũng là một trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.

Đồng Nai dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp với 48 khu công nghiệp theo quy hoạch, trong đó có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.500ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 86% diện tích đất cho thuê.

Đồng thời, địa phương thu hút được 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với tổng vốn hơn 30 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 600.000 lao động. Các dự án thu hút đầu tư mới bảo đảm các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động.

Chiếm 1,9% diện tích cả nước nhưng đây là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Với 48 khu công nghiệp, Đồng Nai dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh địa phương là trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước, thuộc nhóm các địa phương tiên phong, là địa điểm hấp dẫn, thu hút mạnh đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, Đồng Nai có diện tích 5.897,8 km2, chiếm 1,9% diện tích cả nước, dân số khoảng trên 3 triệu người, chiếm khoảng 3,2% dân số cả nước. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 170 đơn vị cấp xã. Thành phố Biên Hòa là trung tâm hành chính của tỉnh.

Đồng Nai liền kề TP Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 1 giờ đi ô tô, là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam Việt Nam, khu vực có cơ sở hạ tầng phát triển và thuộc vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam.

Đồng Nai ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến

Đồng Nai ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn TP Long Khánh, các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Riêng dự án đầu tư sản xuất công nghiệp nhà đầu tư phải vào khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt.

Định hướng về ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện tại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Trong đó, chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chiếm 1,9% diện tích cả nước nhưng đây là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có sự phục hồi khá rõ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có sự phục hồi khá rõ, đặc biệt là đầu quý 2. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 6 tháng ước đạt hơn 122,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu cả năm 2024 từ 6,5-7%), theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai.

Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng hơn 9% và nhập khẩu đạt gần 8,3 tỷ USD, tăng hơn 7,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện hơn 57,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 11,3% so với cùng kỳ.

Đến ngày 20/6, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Đồng Nai đạt khoảng gần 926,2 triệu USD, có 47 dự án với tổng vốn đăng ký 565,17 triệu USD và 54 dự án tăng vốn thêm gần 361 triệu USD.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm