Mọi đứa trẻ đều là bảo bối trong mắt cha mẹ. Tuy nhiên, vì quá yêu con nên nhiều người biến yêu thương thành chiều chuộng, hy sinh tất cả cho con. Điều đáng buồn là không phải đứa trẻ nào cũng sẽ biết ơn. Nhiều đứa ngược lại coi đó là nghĩa vụ và xem thường cha mẹ mình.
Cách đây một thời gian, ông Lý, chủ một quán ăn sáng ở Thượng Hải (Trung Quốc), tình cờ chứng kiến toàn bộ quá trình người mẹ cho con ăn bánh bao. Ông gọi đó là kiểu nuôi con độc hại. Câu chuyện được ông chia sẻ thu hút sự chú ý.
Được biết, ông Lý mở một quán bánh bao hấp ở đầu một con hẻm trong thành phố. Ông là người lương thiện, bánh nhồi hấp to, vỏ mỏng, thơm ngon, rất được hàng xóm ưa chuộng. Gần đây, ông phát hiện ra rằng có một bà mẹ thường xuyên đưa con trai đến ăn sáng, cậu con trai mũm mĩm. Sở dĩ ông có ấn tượng với họ như vậy là vì mỗi lần họ chỉ mua bánh bao nhân thịt, và khi ngồi ăn, cậu con trai sẽ xé bánh bao làm đôi, sau đó lấy nhân thịt ra và tự ăn.
Bà mẹ ở bên không những không trách móc mà còn giúp con chọn nhân thịt, sau đó cặm cụi ăn vỏ bánh bao. Nhìn điều kiện của họ, có vẻ cũng không thể không mua nổi 2 chiếc bánh bao. Ông Lý luôn thấy khó hiểu.
Một ngày nọ, ông Lý cuối cùng không thể chịu đựng được nữa, bước đến gần và nói với đứa trẻ rằng việc làm của em là sai, hãy chia sẻ những điều tốt đẹp với mẹ thay vì để mẹ phải ăn vỏ bánh bao còn sót lại. Ai ngờ đứa trẻ hét lên, nói rằng mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho cậu ta. "Mẹ tôi suốt ngày ở nhà, cần gì phải ăn nhiều đồ ngon chứ?", đứa bé trả lời khiến ông Lý sửng sốt.
Điều mà ông không ngờ tới là thay vì mắng con mình vì hành vi thô lỗ, người mẹ này lại dặn con trai mình đừng tức giận, giống như đang phục vụ một tiểu hoàng đế.
Sau đó, cậu con trai nói thêm: "Mẹ ơi, ông già này khó chịu quá, con sẽ không bao giờ ăn bánh bao của ông nữa. Bà mẹ đồng ý: "Đúng vậy, đúng vậy." Nói xong, hai người thu dọn đồ đạc rời đi.
Ông Lý không nói nên lời, gia đình nào có thể nuông chiều một đứa trẻ như vậy, kết cục sẽ ra sao? Chiếc bánh bao bà mẹ cho con ăn mỗi ngày chẳng khác nào "bánh bao độc", dạy con sự ích kỉ, xem thường mẹ mình.
Chắc chắn, yêu thương con cái là tình cảm tự nhiên của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, phụ huynh Á Đông thường xuyên hy sinh quá nhiều và làm mọi thứ cho con. Ngay cả khi tình hình kinh tế của gia đình không tốt, cha mẹ phải "thắt lưng buộc bụng" vẫn cố cho con "bằng bạn bằng bè". Nhưng đây chưa bao giờ là cách giáo dục được đánh giá cao!
Bởi những đứa trẻ được bao bọc, chiều chuộng quá sẽ tự coi mình là trung tâm. Thậm chí, chúng sẽ cho rằng việc cha mẹ phục vụ mình là điều đương nhiên và không biết thông cảm cho khó khăn của người khác. Lâu dần, trẻ chỉ biết đòi hỏi, luôn cảm thấy bất mãn và thất vọng với cuộc sống, với mọi người xung quanh.
Vậy cha mẹ nên giáo dục con như thế nào?
1. Phải đặt ra các quy tắc
Có câu: "Tự do với các quy tắc là linh hoạt, tự do không có quy tắc là càn rỡ". Tình yêu đích thực đối với trẻ em không phải là sự buông lỏng, mà là sự kiềm chế.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con cái lớn lên sẽ tự nhiên hiểu ra một số lý lẽ mà không biết rằng nếu không được hướng dẫn đúng cách, uốn nắn hành vi thì trẻ sẽ phạm sai lầm. Vì vậy, cha mẹ nên sớm đặt ra những quy tắc cho con và hướng dẫn con trong cuộc sống hàng ngày.
Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói: "Gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen gặt tính cách; gieo tính cách gặt số phận". Tuy nhiên để hình thành thói quen tốt không phải trong ngày một ngày hai.
Đây là lý do vì sao trong giai đoạn mầm non, bố mẹ cần chú trọng đến các thói quen của trẻ như nếp sống, làm việc và phép tắc xã giao. Chỉ những đứa trẻ phát triển những hành vi tốt từ khi còn nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho chúng trong suốt cuộc đời.
2. Giáo dục lòng biết ơn
Hãy cho con biết rằng tình yêu thương và những điều kiện vật chất tốt đẹp mà chúng nhận được không phải tự nhiên mà có. Chúng như vậy là do được gia đình yêu thương, trẻ nên biết biết ơn sự che chở của gia đình. Chẳng hạn như để cảm ơn mẹ đã mua cho con một món đồ chơi mới, con có thể giúp mẹ làm việc nhà.
3. Bản thân cha mẹ phải nắm bắt được giới hạn của tình yêu
Bạn có thể chiều chuộng con nhưng không thể chiều chuộng quá mức, điều này chỉ khiến trẻ càng đi vào con đường sai lầm, kém tự lập, tính tình bạo lực. Nhiều vấn đề ở con cái là do cha mẹ không nắm bắt được những giới hạn và phương pháp yêu thương. Tình yêu đích thực là làm điều gì đó có lợi cho tương lai và sự phát triển của trẻ.
Con cái là niềm hy vọng của mọi gia đình, bậc cha mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Tuy nhiên, tình yêu không phải là sự nuông chiều mù quáng.