Tài chính

Chi trả bồi thường bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra ước khoảng 7.000 tỷ đồng

 

Tổng thiệt hại do bão Yagi và mưa lũ sau bão tại Lạng Sơn là hơn 560 tỷ đồng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN).

Ngày 12/9, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17h, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, đây là những số liệu sơ bộ ban đầu trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, do đó số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.

Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đã tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỷ đồng. Các tổn thất chủ yếu tập trung vào các loại hình bảo hiểm con người và tài sản, như bảo hiểm ô tô, bảo hiểm nhà ở tư nhân, công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa. Doanh nghiệp hiện đang khẩn trương tiến hành giám định và tạm ứng bồi thường cho các thiệt hại nghiêm trọng.

Bảo hiểm PVI đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ đã tạo ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, đồng thời tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Trước đó, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm;

Thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.

Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm