Hầu hết chúng ta ai cũng từng một lần đi đến rạp để xem phim trên màn hình lớn, tay cầm bỏng ngô và 1 cốc nước có ga. Mặt khác chắc hẳn ai cũng từng tự hỏi tại sao đi xem phim tưởng chừng như khá vừa túi tiền với sinh viên, người mới đi làm với giá vé khoảng 60-80 nghìn đồng nhưng cuối cùng đến bước thanh toán cuối cùng hoá đơn lại lên tới 300-400 nghìn đồng. Trên thực tế, các rạp chiếu phim kiếm được rất ít từ doanh thu bán vé.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Rạp chiếu phim chỉ nhận được một phần nhỏ từ doanh thu bán vé
Theo Ranker, khi doanh số bán vé của Mỹ đạt mức thấp nhất trong 25 năm vào năm 2017, điều này trở thành một vấn đề phức tạp với các rạp chiếu phim. Thông thường, doanh thu bán vé sẽ được chia cho rạp phim, nhà sản xuất và đơn vị phát hành. Các rạp chiếu thường chỉ thu về 20% doanh thu từ các bộ phim từ các hãng phim lớn và con số này thậm chí còn giảm xuống thấp hơn trong tuần đầu công chiếu khi các hãng phim nhận tới 90% doanh thu.
Do đó, các rạp chiếu phim không kiếm lời từ doanh thu bán vé. Tuy nhiên, khi số lượng vé bán ra ít đi, có nghĩa là khách hàng đến rạp phim ngày càng giảm, điều này gây ảnh hưởng đến doanh thu bán bỏng nước - nguồn lợi nhuận chính của các rạp phim. Đây là lý do tại sao số lượng vé bán ra đạt mức thấp kỷ lục khiến nhiều rạp phim lo lắng cuống cuồng.
Dễ thấy ở Việt Nam, giá vé cũng sẽ thay đổi theo từng ngày và các khung giờ khác nhau. Thông thường giá vào ngày trong tuần sẽ thấp hơn 20-30% so với cuối tuần. Tương tự, vé vào buổi tối sẽ đắt hơn giờ hành chính. Đây được cho là cách để cân bằng doanh thu trong ngày cũng như kích cầu vào các khung giờ mọi người thường không có xu hướng đi xem phim. Tuỳ thuộc vào mức “sang chảnh” của các phòng chiếu phim cũng như ghế ngồi, giá vé sẽ tăng từ 50-100% so với mức thông thường.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Tiền bỏng ngô và nước bằng giá vé xem phim
Nếu đi xem phim với 1 người bạn, số tiền chi ra cho tiền vé có thể rơi vào khoảng 150-200 nghìn/ 2 vé. Đồng thời, số tiền chi ra để mua 2 cốc nước và 1 bỏng lớn cũng sẽ rơi vào khoảng tương tự như giá vé.
Humphrey Yang sở hữu kênh TikTok với hàng triệu người theo dõi, là một chuyên gia tài chính đã chia sẻ rằng các rạp chiếu phim đã thổi phồng giá trung bình của bỏng ngô trong rạp chiếu phim lên 1275% và khoảng 70% khách hàng xem phim mua đồ ăn nhẹ tại rạp. Theo Humphrey Yang, 80% doanh thu của các rạp chiếu phim nhỏ là từ bỏng nước và đồ ăn. Không khó để nhận thấy cùng là một cốc nước có ga, và 1 hộp bỏng ngô nhưng bạn sẽ phải chi đến số tiền gấp 6-7 lần so với thông thường để có thể thưởng thức nó trong rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, các rạp phim cũng cấm khách hàng không được mang thức ăn từ bên ngoài vào để làm tăng cầu cho các sản phẩm đồ ăn này. Theo một số thông tin, chi phí sản xuất bỏng nước luôn không quá 10% so với giá sản phẩm được bán ra trong rạp phim.
Ngoài ra, khi chiếu các bộ phim được dự đoán là bom tấn, bạn có thể nhìn thấy hàng loạt chiếc ly bắt mắt trên quầy bán vé ngay lối vào rạp chiếu phim với giá lên tới 300 - 700 nghìn đồng. Trong khi đó, bạn có thể tìm thấy 1 chiếc ly nước xinh xắn chất lượng với 50-100 nghìn đồng trên các trang TMĐT. Tức là giá của những chiếc ly trong rạp phim có thể gấp 10 lần so với mặt bằng chung.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Đặt bảng quảng cáo và cho thuê rạp
Trong lối vào rạp chiếu phim thường sẽ có những màn hình led và các poster kín lối đi. Không phải ngẫu nhiên mà chúng xuất hiện tại đó, đây là một trong những cách hiệu quả giúp rạp phim kiếm tiền. Họ cho các nhãn hàng thuê bảng điện tử để quảng cáo sản phẩm, là một cách khá tốt để rạp phim kiếm tiền còn các công ty có thể tiếp cận với tệp khách mới tiềm năng. Bên cạnh đó, trước khi chiếu phim, các rạp thường sẽ có quãng thời gian dành cho quảng cáo.
Ngoài ra, các rạp phim sẽ cho thuê phòng chiếu tính tiền theo giờ. Nhiều fandom của ca sĩ thần tượng hay diễn viên, cầu thủ thường sẽ bao nguyên rạp để mọi người cùng xem concert hay các trận đấu. Những hoạt động mang tính lịch sự, quan trọng như là hội nghị, hội thảo cũng sẽ thuê rạp chiếu phim vì nó khá đầy đủ tiện nghi.