Cá lóc là loại cá phổ biến với người miền Tây, các món ngon từ cá lóc luôn mang một nét mộc mạc và quen thuộc của người xứ này như canh chua cá lóc, cá lóc nướng trui, cá lóc kho tộ,... Nhưng có một món mà gia đình người dân miền Tây đều thân thuộc dù cách chế biến đơn giản nhưng mang hương vị rất riêng đó chính là cháo cá lóc rau đắng - món ăn chứa đựng cái chân chất, thật thà hệt người miền Tây.
Nồi cháo cá lóc hay có trong những ngày mưa ở vùng sông nước phía Tây Nam Bộ
MÓN ĂN VÔ CÙNG ĐƠN GIẢN NHƯNG ĐỂ NẤU NGON KHÔNG PHẢI CHUYỆN DỄ DÀNG
Cháo là món ăn rất dễ chế biến không cần công thức cầu kỳ, chỉ cần bắt bếp, vo gạo thật sạch, đong nước nhiều và nấu cho đến khi hạt gạo nở nhừ thành cháo. Cháo được ăn kèm với nhiều loại "topping" như thịt vịt, thịt gà, thịt heo bằm, chà bông... nhưng người miền Tây thường ăn với cá lóc. Món ăn tuy chế biến đơn giản là vậy, nhưng để có một tô cháo cá lóc ngon nhất thì người thực hiện phải lựa chọn gạo thật ngon, dẻo và thơm. Với xứ miền Tây, tận dụng thiên nhiên tạo cho Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước với đa dạng loại gạo thì mọi người sẽ tìm chọn thứ gạo chắc hạt, dẻo, thơm để nấu món cháo này. Một mẹo chế biến của người dân dù rằng cầu kì hơn người xứ khác, đó chính là rang gạo trước trên chảo rồi mới nấu để cháo có mùi thơm và ngon hơn.
Cháo được nấu bằng những hạt gạo đã rang sơ qua cho dậy mùi thơm
Trong một nồi cháo cá lóc rau đắng 10 điểm tròn, thì cá lóc nên lựa những con to, chắc thịt và ít xương, sau đó phải được xát muối lên thân cá để tẩy đi mùi hôi tanh. Đặc biệt, khi làm sạch phải để nguyên ruột cá vì đây là phần ngon nhất. Sau đó chần cá qua nước sôi, bỏ vào ít muối, bột nêm và gừng. Bắt nồi nước sôi lên, cho phần gạo đã rang vào, nấu đến khi hạt nở ra sau đấy nêm nếm cho vừa miệng. Có thể thêm tôm khô hoặc nấm rơm để phần nước cháo ngọt hơn. Cuối cùng là cho cá lóc vào nồi cháo, vừa chín tới thì nên vớt ra kẻo lâu sẽ làm nhão cá, khi ăn với cho trên bề mặt tô cháo đã được múc ra. Tuy nhiên cũng tùy sở thích mà người nấu có thể để nguyên cá trong nồi. Sau đó bỏ nhúm rau đắng kế bên các khúc cá. Muốn tăng sự đậm đà cho hương vị thì có thể thêm chút hành lá và hành phi.
Nồi cháo với những khúc cá lóc săn thịt, kèm nấm, hành lá, huyết, hành phi và rau đắng
Rau đắng được cho vào trong nồi cháo hay để riêng trong chén tuỳ cách ăn của mỗi người
LÀ MÓN ĂN MANG HƠI THỞ CON NGƯỜI MIỀN TÂY VÌ LOẠI RAU TRONG CHÁO
Sở dĩ có món cháo cá lóc rau đắng chính bởi vì ở vùng phía Tây Nam Bộ người dân thường ăn thịt cá lóc kèm với loại rau đắng - một công thức kết hợp ẩm thực đúng chuẩn miền Tây. Rau đắng là rau mọc nhiều ở mô đất quanh nhà hoặc quanh đồng ruộng. Là cây bò trên mặt đất, thân và cành mọc tỏa gần như sát mặt đất, có khi cao tới 10 - 30cm. Loại cây này sống quanh năm, thân nhỏ có nhiều đốt, lá nhỏ mọc xen kẽ. Người ta thường hái cả cây, dùng cả thân và lá để ăn vì tốt cho sức khoẻ và chữa được nhiều bệnh. Giống như tên gọi, rau có vị rất đắng nhưng sau khi ăn một thời gian và quen với vị đắng kỳ lạ là bạn sẽ thấy rau này ngọt và thơm ngon, kích thích vị giác cực kỳ.
Thứ rau quen thuộc dễ tìm hái này là một nét riêng của vùng đất vì chúng xuất hiện nhiều trong văn học, thơ ca, như bài hát "Còn thương rau đắng mọc sau hè"... Đây là loại rau nhìn đâu cũng thấy vì cây rất dễ sinh sống, là biểu tượng món ăn đại diên cho tính cách của người miền Tây - hòa đồng, dễ chịu.
Người tứ phương khi ăn cháo cá lóc rau đắng, đều nói vui rằng món cháo này hệt như con người miền Tây. Thứ nhất là họ dung dị, giản đơn như các thành phần trong món ăn và cách chế biến. Thứ hai là vị đăng đắng, được cho là một nét riêng đặc biệt của người miền Tây - không thể gọi ra bằng tính từ nhưng chỉ biết họ như rau đắng - tuy không phải mùi vị cao sang ngon ngọt nhưng không ăn sẽ nhớ, mà ăn nhiều sẽ vấn vương hoài. Nghĩa là gặp gỡ người miền Tây nhiều sẽ thương, mà chia tay lại nhớ da diết. Thứ ba là cái chân chất đi đâu cũng thấy, gặp ai cũng vậy. Dù người lạ hay quen, nếu chủ động hỏi đường, là họ hướng dẫn nhiệt tình đến trong cùng ngõ hẻm.
Loại rau đắng được xem là biểu tượng mang tính cách của người miền Tây với phần thân và lá nhỏ, mọc rất nhiều ở sau hè
Rau đắng được cho vào nồi cháo sau cùng để tránh bị chín quá
Cũng như trong tiềm thức của người dân miền Tây, hễ cá lóc thì phải ăn với rau đắng mới đúng vị, mới thích. Với những con người xa xứ, hương vị này chính là hơi quê để sau có đi xa cách mấy cũng nhớ về gia đình của mình.
Một nồi cháo miền Tây nóng hổi, thưởng thức vào ngày mưa lâm râm quả là “sướng” không gì bằng. Bây giờ cháo cá lóc không chỉ là "món ăn tủ" của người miền sông nước Nam Bộ mà những khách du lịch nếu có dịp thưởng thức, phần lớn đều nhớ mãi không quên. Miếng đầu tiên có vẻ hơi kén người ăn vì vị đăng đắng của rau, mùi cá lóc nếu chưa quen. Thế nhưng cố ăn thêm miếng hai, miếng ba, thì chẳng mấy chốc mà hết sạch tô vì "độ hút".
Nồi cháo chinh phục cả những du khách xa gần đến làm "food tour" miền Tây
Nếu ai du lịch miền Tây vì danh sách dài các đặc sản ẩm thực, nhớ thêm món cháo cá lóc rau đắng vào gạch đầu dòng. Một món ăn mang cảm giác như con người, vùng đất mà chính bạn đang thăm thú. Tìm món ăn này cũng rất dễ, dọc đường về miền Tây, nếu tinh ý một chút bạn sẽ thấy không ít bảng hiệu hay thực đơn của quán ăn đều có món cháo cá lóc rau đắng.