Buổi sáng đầu năm, trong ngôi nhà trên đường Phạm Cự Lượng, quận Sơn Trà, Toàn ngồi say sưa chỉnh âm cho chiếc kèn chế từ ống pô xe máy. "Nhìn nó giống saxophone nên tôi đặt tên saxopo", chàng trai gốc Quảng Nam nói.
Chia sẻ về cơ duyên đến với những nhạc cụ đặc biệt, Toàn kể từng bị cuốn hút bởi những buổi biểu diễn của nghệ sĩ đường phố bằng nhạc cụ phế thải. Anh quyết làm theo để thỏa đam mê và hơn hết là giúp mọi người có một cái nhìn mới về đồ phế thải, không phải tất cả đều vô dụng.
12 năm trước, khi còn là sinh viên kiến trúc, Huy Toàn đã chế tác nhạc cụ đầu tiên bằng ống lá đu đủ. Toàn khoét những lỗ nhỏ và thổi thành tiếng sáo. Từ đó, anh nghĩ tất cả những vật dụng gần gũi trong cuộc sống đều có thể tạo ra âm thanh. "Chỉ cần có ruột rỗng và dài là tôi sẽ chế tạo được nhạc cụ", anh nói.
Tận dụng những thứ đã vứt đi từ bãi phế liệu, Toàn xin về mày mò và chế tạo các sản phẩm tương tự như sáo trúc hay kèn. Anh cho biết, ban đầu không có kiến thức về nhạc cụ, anh phải tự học hỏi từ những người cùng đam mê và mạng xã hội.
Trong số nhạc cụ Toàn chế tác, tâm đắc nhất là chiếc kèn làm từ ống pô xe máy bởi mất ba năm nghiên cứu mới tạo ra âm thanh ưng ý. Theo Toàn, làm nhạc cụ từ đồ phế thải không khó, nhưng quan trọng là phải tạo ra được âm thanh khác biệt. "Không phải ống pô nào cũng tạo ra âm thanh chuẩn. Phải là loại ruột to và dài, ít bám chất khí thải", anh cho biết.
Để chế tác được chiếc "kèn saxopo", Toàn tìm mua ống pô cũ ở các tiệm sửa xe, đem về vệ sinh sạch sẽ, làm rỗng ruột, khoan lỗ và đo âm từng nốt, kiểm chứng từng lỗ, để âm thanh ra đúng có thể hòa tấu với những loại nhạc cụ khác. "Nếu thổi không ưng lại phải chỉnh sửa tiếp", Toàn kể.
Không chỉ chế tạo nhạc cụ từ ống pô xe, anh Toàn còn "phù phép" những đoạn ống nhựa, chân ghế inox, khung xe đạp thành chiếc sáo độc lạ.
Mỗi lần Toàn chế tạo một nhạc cụ mới, anh Dương Minh Thảo, 33 tuổi, ngụ quận Sơn Trà lại sang nhà bạn thử nghiệm. Anh rất ngạc nhiên khi món đồ tưởng chừng vô dụng nay lại được anh bạn mình hồi sinh.
"Sự độc lạ trong nhạc cụ tự chế của Toàn làm tôi thấy thú vị, âm thanh nghe rất cuốn hút và khác biệt. Việc làm của anh đã góp phần lan tỏa đến cộng đồng cách sử dụng đúng đắn hơn về đồ tái chế trong đời sống", anh Thảo nói.
Đến nay, Toàn sở hữu gần 20 nhạc cụ tự chế từ phế liệu. Anh kể, nhiều người đến xem anh biểu diễn và ngỏ ý mua nhưng anh không bán. Các sản phẩm tự chế của Toàn không đăng ký bản quyền sáng chế. "Tôi làm vì tình yêu âm nhạc nên chỉ để kỷ niệm và biểu diễn phục vụ cộng đồng chứ không có ý định thương mại", anh chàng kiến trúc sư nói.
Năm 2016, ý tưởng sử dụng lại những đồ nhựa cũ làm sáo đã giúp Toàn đạt giải quán quân trong cuộc thi "Tìm kiếm tài năng" do Đại học Duy Tân tổ chức. Khi có thời gian, chàng trai xứ Quảng lại xách nhạc cụ biểu diễn đường phố, nhà thờ hoặc các sự kiện của TP Đà Nẵng tổ chức để phục vụ bà con.
"Tôi làm ra những thứ này không chỉ vì thú vui riêng mà sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có chung sở thích", anh Toàn nói.