Vì nắm bắt được tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc (hay còn gọi là chỉ số cảm xúc hay chỉ số EQ) mà các bậc cha mẹ ngày nay càng ngày càng quan tâm, cải thiện chỉ số này cho con. Bởi suy cho cùng, đối với đại đa số người bình thường mà nói, sự chênh lệch về IQ thực sự rất nhỏ nhưng sự chênh lệch về EQ lại có thể rất lớn. Một đứa trẻ có EQ cao, bất kể là đi học hay đi làm sau này đều có khả năng thành công cao hơn so với một đứa trẻ có EQ thấp.
Là người ngày đêm ở bên con cái, cha mẹ có ảnh hưởng lớn nhất đối với con cái. Nếu cha mẹ có thể thường xuyên nói với con cái 3 câu sau đây, sẽ giúp bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc cao cho con cái:
1. "Con nhớ nói lời cảm ơn khi được người khác giúp đỡ!"
Nhiều bậc cha mẹ dạy con nói "cảm ơn" nhưng chỉ để thể hiện phép lịch sự. Trên thực tế, dạy trẻ nói "cảm ơn" là giáo dục về sự tôn trọng và lòng biết ơn.
Cha mẹ dạy con nói lời "cảm ơn" với công nhân vệ sinh đang dọn dẹp thùng rác, với người nhường ghế trên xe buýt, nói "cảm ơn" khi bạn cho con mượn đồ chơi, nói "cảm ơn" khi cha mẹ nấu cho một bữa ăn ngon. Câu nói này không chỉ làm ấm lòng người đã giúp đỡ trẻ mà còn giúp trẻ hiểu được: 1 - Mọi người đều đáng được tôn trọng, 2 - Một người phải biết cảm ơn sau khi nhận được sự giúp đỡ.
Ảnh minh họa: Owen Gent
Một đứa trẻ thường xuyên nói "cảm ơn" không chỉ lễ phép mà còn là người biết biết ơn và tôn trọng người khác, đây chắc chắn là một trong những biểu hiện của EQ cao.
2. "Tại sao con làm/ không làm việc này? Hãy nói cho bố/ mẹ biết lý do tại sao!"
Sau khi lên 2 tuổi, trẻ bắt đầu có quan điểm và chủ kiến riêng, thậm chí dễ nổi loạn, chống đối cha mẹ. Trước tình trạng này, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra nóng nảy và thường dùng cách "la mắng" hoặc "đánh đòn" để giáo dục con cái.
Tuy nhiên, cảm xúc "không ổn định" của cha mẹ sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đến trẻ: thứ nhất, có thể khiến trẻ trở nên hèn nhát hoặc nổi loạn; dễ mất bình tĩnh và quát tháo khi gặp sự cố. Và rõ ràng, khó có thể nói rằng một người không thể kiểm soát cảm xúc của mình một cách hợp lý lại có EQ cao.
Nếu cha mẹ có thể bình tĩnh nói với con: "Tại sao con lại làm/ không làm việc này? Hãy nói với bố/ mẹ tại sao" khi con làm sai hoặc không muốn làm điều gì đó, thì không những có thể giải quyết vấn đề tốt hơn mà điều quan trọng là còn có thể dạy trẻ cách đối mặt và xử lý các vấn đề với thái độ ôn hòa, bình tĩnh. Đồng nghĩa với điều này là trẻ sẽ tránh được biểu hiện EQ thấp như thiếu kiên nhẫn và bộc lộ cảm xúc bất kể trong dịp nào.
3. "Bố/ mẹ vui/ tức giận/ buồn về những gì con đã làm"
Người có EQ cao luôn biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Trong lúc tương tác với con cái, nếu cha mẹ có thể bộc lộ cảm xúc bên trong của mình một cách hợp lý, thì họ cũng sẽ khiến trẻ chú ý nhiều hơn đến cảm xúc của người khác, thay vì tập trung vào sự thoải mái của bản thân trong mọi việc chúng làm.
Ảnh minh họa: Owen Gent
Ví dụ, nếu trẻ ồn ào vào ban đêm và không chịu ngủ, cha mẹ có thể nói với trẻ: "Ngày mai bố mẹ phải đi làm, con làm ồn quá khiến bố mẹ không thể nghỉ ngơi, bố mẹ rất tức giận". Trẻ làm hỏng đồ trang điểm của mẹ, mẹ có thể nói với trẻ: "Con đã đụng vào đồ của mẹ mà không được sự đồng ý của mẹ và làm vỡ đồ trang điểm yêu thích của mẹ, điều đó làm mẹ rất buồn"...
Cha mẹ bộc lộ nội tâm với con chính là rèn luyện khả năng đồng cảm của con, để con học cách nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác. Đứa trẻ được nuôi dưỡng như vậy nhất định sẽ trở thành người có EQ cao, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Tục ngữ có câu, cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái, dạy dỗ bằng tấm gương tốt hơn bằng lời nói. Cha mẹ không chỉ đóng vai trò nuôi dưỡng con cái, mà quan trọng hơn, họ phải dùng lời nói và hành động của mình để tác động đến con cái, nuôi dưỡng chúng trở thành một người tốt hơn với trí tuệ cảm xúc cao.
Nguồn: Sohu