Nhiều bậc phụ huynh than phiền, con mình thường có cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn trẻ dễ dàng nổi giận, vùng vằng, thậm chí là quát mắng những người xung quanh.
Trên thực tế, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng có lúc không kiềm chế được tính nóng nảy. Cha mẹ hãy nghĩ xem tại sao chúng ta lại mất bình tĩnh? Có phải chúng ta thường nỏng nảy, tức giận khi làm sai, khi việc không như ý muốn và muốn trút bỏ những cảm xúc tiêu cực. Đây là tâm trạng hoàn toàn bình thường của con người.
Một nhà tâm lý học từng cho biết: "Những cơn giận dữ của trẻ thực chất là biểu hiện cho của sự bất an trong nội tâm. Trẻ có vẻ như đang gây áp lực cho cha mẹ nhưng thực chất là đang cầu cứu sự giúp đỡ từ những người thân nhất".
Trẻ tức giận là một dấu hiệu "cầu cứu" cha mẹ. (Ảnh minh họa)
Trẻ sẽ không mất bình tĩnh, nóng giận với người khác bởi trong tiềm thức trẻ hiểu rằng: Chỉ có cha mẹ mới là người thân nhất. Và chỉ họ có thể đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho mình. Trẻ nổi giận, bực tức chính là đang phát đi tín hiệu cần được giúp đỡ.
Vậy nên, khi thấy trẻ thường xuyên cáu giận, có lời lẽ chưa đúng mực, cha mẹ đừng vội trách mắng trẻ. Bởi cách này không giải quyết được vấn đề mà còn gây phản tác dụng. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách xử lý sau:
Dạy con ngăn chặn bùng nổ sự tức giận
Việc dạy con đối phó với cơn tức giận sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và đăc điểm tâm sinh lí, cảm xúc và hành vi. Nhưng hầu hết trẻ em đều có thể kiểm soát cảm xúc nếu dùng đúng cách.
Trước tiên, bạn nên giúp con nhận ra các dấu hiệu bên ngoài khi đang tức giận như: siết chặt hàm, đau bụng, đỏ mặt,… Tiếp đó, cha mẹ hãy hướng dẫn con đến một nơi an toàn, chẳng hạn như một phòng ngủ yên tĩnh. Một số trẻ lấy lại sự bình tĩnh bằng cách đọc sách hoặc nghe một số bản nhạc nhẹ nhàng. Một số khác cần các hoạt động thể chất, chẳng hạn như la hét hoặc đấm một chiếc gối. Trẻ cũng có thể học cách hít thở sâu một chút để mang lại cảm giác thoải mái.
Cha mẹ cũng nên dạy con cách gọi tên cho cảm xúc để giữ được cảm giác bình tĩnh. Ví dụ, nếu trẻ nói: "Con cảm thấy tức giận vì không làm xong bài tập. Con thấy mình thật kém cỏi". Trong trường hợp này, cha mẹ có thể gợi ý cho con hỏi bạn bè, giáo viên hoặc cùng con tìm ra cách giải.
Với tư cách là phụ huynh, bạn hãy cố gắng nhận ra những yếu tố kích thích cảm xúc của con như lưu giữ thông tin trong một cuốn nhật ký về những lần con tức giận. Chẳng hạn, nếu con luôn tức giận khi bạn yêu cầu con tắt máy tính thì bạn hãy cho con lời cảnh báo 10 phút, 5 phút rồi 2 phút. Cách này rất hữu ích trong việc giúp trẻ giảm sự bực dọc, nóng giận.
Ảnh minh họa.
Bình thường hóa mọi cảm xúc (kể cả sự tức giận)
Trong mọi trường hợp, cha mẹ cần dạy con rằng tức giận là phản ứng tự nhiên của cơ thể để cảnh báo rằng có điều gì đó đang không ổn.
Nhìn chung, mục tiêu của việc này là đảm bảo trẻ tìm ra cách đối phó với cảm xúc mãnh liệt này và khiến nó bớt lấn át lý trí. Nói về cảm xúc tức giận sẽ khiến trẻ nhận thức rõ hơn về cảm xúc, giúp trẻ dễ dàng xác định về nó trong tương lai.
Đừng phản ứng, hãy hành động!
Bỏ lơ khi trẻ đang trong cảm xúc mãnh liệt không chỉ vô ích mà còn phản tác dụng. Điều tốt nhất cần làm là suy nghĩ trước về tình huống và nói chuyện với con cho thấu đáo. Cha mẹ có thể làm điều này bất cứ lúc nào bằng cách tham gia trò chuyện với con.
Chẳng hạn khi trẻ nói: "Con tức vì mẹ không mua cho con mọi thứ con muốn ở cửa hàng", bạn có thể dạy con rằng con chỉ có thể được mua một thứ ở cửa hàng. Sau một thời gian, điều đó sẽ thành thói quen, đứa trẻ có cơ hội ghi nhớ và hiểu rõ quy tắc này trước khi đạt đến trạng thái tức giận. Nói cách khác, trẻ được dạy cách kiềm chế cơn giận trước khi nó bùng phát.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết vấn đề triệt để. Đây là cách tốt nhất giúp trẻ nhanh chóng xua đi cảm giác tức giận, áp lực.