Theo BeInCrypto, những email được cho là từ Satoshi Nakamoto, cha đẻ của bitcoin, đã giải thích nguyên nhân vì sao tổng cung bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu. Những email trên đến từ trao đổi giữa Nakamoto và ông Martii Malmi, nhà khoa học máy tính từng đóng góp vào quá trình phát triển bitcoin.
Trao đổi giữa Nakamoto và ông Malmi tiết lộ quyết định giới hạn tổng cung bitcoin ở mức 21 triệu token không phải là lựa chọn ngẫu nhiên. Nakamoto cho biết quyết định này là một “phỏng đoán có cơ sở”, nhằm định hướng giá cả của bitcoin như những tiền tệ thông thường cũng như tính đến sự không chắc chắn của các điều kiện thị trường trong tương lai.
“Quyết định về tổng cung và lịch trình phân bổ là một phỏng đoán có cơ sở. Đó là một lựa chọn khó khăn, bởi một khi đi vào hoạt động, mạng lưới sẽ bị khóa vĩnh viễn. Tôi muốn chọn một con số giúp giá bitcoin tương tự như các đồng tiền đang tồn tại, nhưng sẽ rất khó vì không thể biết trước tương lai”, Nakamoto nói.
Ngoài ra, Nakamoto dự báo rằng tổng cung bitcoin sẽ đại diện cho một phần của thương mại toàn cầu và nêu ra phương án mở rộng để đáp ứng cáo nhiệm vụ của một hệ thống tiền tệ quốc tế.
“Nếu tưởng tượng bitcoin được sử dụng cho một phần của thương mại toàn cầu thì sẽ chỉ có 21 triệu bitcoin cho toàn bộ thế giới. Do đó, mỗi bitcoin sẽ có giá trị hơn nhiều so với các đồng tiền khác”, Nakamoto viết.
“Bitcoin được lưu trữ dưới dạng số nguyên 64 bit, với 8 chữ số đằng sau dấu phẩy thập phân, do đó, thực tế, 1 bitcoin được biểu diễn bằng 100.000.000”, email có viết.
“Ví dụ, nếu 0,001 bitcoin trị giá 1 Euro thì để thuận tiện, có thể đổi vị trí mà dấu phẩy thập phân được hiển thị. Chẳng hạn, 1 bitcoin sẽ được hiển thị thành 1.000, và 0,001 bitcoin sẽ được hiển thị thành 1”, Nakamoto gợi ý.
Ngoài ra, chuỗi email trên cũng nhắc đến những vấn đề khác được các nhà sáng lập tính đến trong quá trình phát triển bitcoin. Ngay từ những ngày đầu tiên, Nakamoto đã cảnh báo không nên mô tả bitcoin như một phương tiện đầu tư.
“Tôi không thấy thoải mái với việc nói ‘hãy coi nó như một phương tiện đầu tư’. Nói ra điều này rất nguy hiểm và bạn nên xóa luận điểm trên đi. Hãy để người dùng tự đi đến kết luận đó chứ chúng ta không thể quảng cáo bitcoin như vậy”, Nakamoto viết trong email.
Cha đẻ của bitcoin cũng dự báo rằng bitcoin sẽ ít tốn kém năng lượng hơn so với hoạt động ngân hàng thông thường: “Ngay cả khi [mạng lưới bitcoin] phát triển đến quy mô tiêu tốn năng lượng đáng kể, tôi nghĩ nó vẫn ít lãng phí hơn so với hoạt động ngân hàng thông thường, vốn sử dụng nhiều lao động và tài nguyên”.
Về tính ẩn danh, Nakamoto cảnh báo không nên phóng đại các tính năng bảo mật của bitcoin. Cha đẻ của đồng tiền này cho rằng lịch sử giao dịch có thể tiết lộ danh tính của người dùng. Ngoài ra Nakamoto cũng cho biết “ẩn danh nghe có vẻ hơi mờ ám”. Các email cũng cho thấy cha đẻ của bitcoin không phải là người đặt ra thuật ngữ “cryptocurrency" (tiền mã hoá).
“Ai đó đã nghĩ ra từcryptocurrency’ […] Có lẽ đó là từ chúng ta nên sử dụng từ này khi mô tả bitcoin, bạn nghĩ sao?”, Nakamoto đặt câu hỏi trong email.