NHNN đang thắt chặt chính sách tiền tệ?
Một số tín hiệu từ thị trường tiền tệ đang cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Lãi suất liên ngân hàng trước đây thường dao động ở mức 0,3 - 0,5% (lãi suất qua đêm) nhưng đến thời điểm hiện tại các ngân hàng đi vay với nhau đã lên tới 5%.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại lãi suất liên ngân hàng đã cho tín hiệu giảm nhưng vẫn nằm ở vùng cao so với trước đây.
Chia sẻ tại chương trình WeTalk "Triển vọng thị trường tài chính, cơ hội và thách thức" mới đây, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup, nhận định NHNN hiện đang không còn duy trì sự nới lỏng ở thị trường 2 (giữa các ngân hàng với nhau).
Những động thái điều hành của NHNN đã nâng lãi suất liên ngân hàng từ 0 - 0,5% lên 2,5 - 5% hiện nay. Cùng với đó là việc hút tiền từ kênh tín phiếu, có giai đoạn NHNN hút ròng kỷ lục từ kênh tín phiếu, có thời điểm còn cao hơn những năm 2018, hút tới 200.000 tỷ đồng, là một con số không hề nhỏ.
Trong khi đó, NHNN vẫn chưa có động thái mở room tín dụng cho các ngân hàng. Theo ông, một phần là do lo ngại về việc hình thành cuộc đua lãi suất.
"Với Gap giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động lên tới 6 - 7% như hiện tại thì cuộc đua huy động là khó tránh khỏi. Hiện tại chưa mở room mà lãi suất huy động tại các ngân hàng đã tăng từ 0,5 - 0,75% từ đầu năm", ông Báu nhận định.
Tuy vậy, CEO WiGroup cho rằng việc thắt chặt chỉ diễn ra ở thị trường 2 và vẫn tiếp tục nới lỏng ở thị trường 1 để kìm đà tăng của lãi suất nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Tỷ giá mới là vấn đề đau đầu nhất của NHNN
Nhận định về các yếu tố vĩ mô hiện nay, ông Trần Ngọc Báu cho rằng lạm phát sẽ không phải là yếu tố mà chúng ta phải quan tâm nhiều, mà yếu tố cần quan tâm ở đây là tỷ giá.
Ông phân tích, lạm phát tại Việt Nam chịu ảnh hưởng bới 4 loại giá cả gồm ăn uống, nhà ở, giao thông và giáo dục và chịu áp lực nhiều chủ yếu đến từ chi phí đẩy (nhập khẩu).
"Với nguyên nhân này thì chính sách tiền tệ sẽ không có nhiều tác dụng và chính sách tài khoá mới là chìa khoá có thể hoá giải được. Ngoài ra, lạm phát tại Việt Nam cũng chưa vượt khỏi tầm kiểm soát nên chuyện thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát là chưa cần thiết", ông nói.
Theo chuyên gia, giá heo sẽ khó tăng như những gì đã diễn ra trong những năm 2019 - 2020 (có thời điểm tăng tới 300%). Đồng thời, giá dầu sẽ giảm, ước tới cuối năm giá dầu sẽ giảm khoảng 10%.
Ông cho rằng áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh từ tháng 9, tuy nhiên theo cách tính của Việt nam là bình quân chỉ số cả năm thì lạm phát dự kiến sẽ chỉ quanh quẩn 3,6% và khó vượt ngưỡng 4% vào cuối năm.
Do đó, vấn đề làm NHNN đau đầu nhất hiện nay không phải là lạm phát mà là tỷ giá. Khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn (capital flow) sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nếu mở cửa dòng vốn thì sẽ kích hoạt "bộ ba bất khả thi" đó là mở cửa dòng vốn, ổn định tỷ giá, độc lập chính sách tiền tệ.
"Nếu dự trữ ngoại hối đủ mạnh thì chúng ta có thể vừa mở cửa dòng vốn, vừa ổn định tỷ giá và vừa nới lỏng tiền tệ. Nhưng với việc trong 2- 3 tháng NHNN đã bán ra hơn 10% dự trữ ngoại hối thì không thể nào lấy dự trữ ngoại hối ra để sử dụng tiếp được", ông Báu phân tích. Do đó, chúng ta chấp nhận tỷ giá biến động và tiếp tục chính sách nới lỏng hay thắt chặt theo Fed để kiểm soát tỷ giá.
Chia sẻ tại sự kiện, CEO WeGroup dự báo chính sách tiền tệ tại Việt Nam sẽ được chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (quý II - quý IV/2022): Một mặt NHNN chấp nhận thắt chặt ở thị trường 2 để ổn định tỷ giá, một mặt chủ động ghìm đà tăng của lãi suất ở thị trường 1. Khi đó, lãi suất thị trường 2 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 3% (không thấp hơn Fed Fund Rate), có nghĩa là NHNN sẽ còn phải tiếp tục việc hút tiền.
Khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, chính sách tài khoá sẽ được nhắc đến, do đó nửa cuối năm đầu tư công có lẽ sẽ được đẩy mạnh để hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển. Chủ yếu kéo dài thời gian để chờ lạm phát của Mỹ lập đỉnh (dự kiến quý IV/2022), áp lực tăng lãi suất của Fed giảm, áp lực dòng chảy vốn giảm bớt.
Giai đoạn 2 (từ cuối quý IV/2022): Lãi suất của Fed lập đỉnh, có thể Fed cũng sẽ dần phải quay trở lại với chu kỳ nới lỏng mặc dù sẽ chậm chạp , áp lực dòng vốn lên Việt Nam không còn. Áp lực tăng trưởng kinh tế 2023 là một bài toán khó khi các nền kinh tế lớn đều đứng trước ngưỡng cửa suy giảm tăng trưởng đáng kể. Bối cảnh kinh tế toàn cầu có lẽ sẽ thúc NHNN sớm quay trở về với thời kỳ nới lỏng.