Quản trị

CEO MoMo và câu chuyện "nhớ đời" tại Mỹ: Phải vay ngân hàng với lãi suất cao để có tiền đi học sau khi Lehman Brothers sụp đổ

MoMo được biết tới là một trong 4 kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) tại Việt Nam cùng ba đơn vị khác là VNG, VNPay và Sky Mavis. Đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của MoMo hiện nay chắc chắn phải kể đến cái tên Nguyễn Mạnh Tường, CEO công ty.

Mới đây, CEO MoMo đã có mặt trong khuôn khổ hội thảo trực tuyến Career Conference. Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ chương trình Vòng tay nước Mỹ 10 được đồng tổ chức bởi Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ và S-World từ ngày 6/8 đến 21/8.

Được biết, trước khi góp phần đưa MoMo trở thành một siêu ứng dụng thanh toán cũng như kỳ lân của Việt Nam, CEO Nguyễn Mạnh Tường cũng đã từng có quãng thời gian học tập tại Mỹ. Vì vậy, trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo MoMo đã có những chia sẻ về hành trình học tập và tìm kiếm cơ hội trên đất Mỹ.

CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường từng lo lắng thiếu tiền đóng học tại Mỹ. (Ảnh: MoMo).

Khó khăn trên đất Mỹ

CEO Nguyễn Mạnh Tường từng có quãng thời gian theo học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó ông nhận bằng thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Buffalo (New York, Mỹ). Tuy nhiên, câu chuyện đáng nhớ của CEO MoMo tại Mỹ đến vào thời điểm ông học MBA tại Chicago.

“Cách đây khoảng 14 năm, khi tôi bắt đầu học MBA tại Chicago, đó có thể coi là một sự kiện “nhớ đời”, lãnh đạo MoMo cho biết. Theo ông, thời điểm bắt đầu đi học được một tháng thì gã khổng lồ Lehman Brothers sụp đổ, dẫn đến việc những sinh viên được tổ chức này tài trợ vô cùng hoang mang.

Trong khi đó, đối với những sinh viên quốc tế như ông Tường, các ngân hàng đã quyết định không cho vay nữa. “Bản thân tôi lúc đó vô cùng hoang mang bởi khi đó đã bước vào trường rồi, không biết liệu còn có tiền để đi học không, hay lại quay về Việt Nam”, CEO MoMo nhớ lại.

Sau đó, mất khoảng vài tháng sống trong tâm trạng hoang mang, ông Tường cũng đã tìm được một ngân hàng chấp nhận cho sinh viên quốc tế vay, nhưng với lãi suất cao “khủng khiếp”. “Lúc đấy cứ có tiền là quý lắm rồi, còn những vấn đề khác như lãi suất,… để tính sau”, ông Tường chia sẻ.

CEO MoMo tính toán rằng nếu tốt nghiệp, đi làm với mức lương khoảng 100.000 USD thì cuối cùng cũng sẽ trả được nợ. Dù vậy, hành trình của CEO MoMo trên đất Mỹ không suôn sẻ như vậy, đặc biệt là khi ông tìm kiếm cơ hội cho các thực tập sinh.

“Thực tập sinh vào thời điểm đó là một thứ vô cùng “xa xỉ”. Các công ty như Google cũng tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm về việc làm, nhưng thực chất là để giữ quan hệ với trường chứ trong năm đó cũng không có ý định tuyển thực tập sinh”, CEO MoMo kể lại.

Theo ông Tường, mọi tính toán vào thời điểm đó đều trở nên vô nghĩa khi không ai biết mọi thứ sẽ đi về đâu, thậm chí ngay cả tình hình trên toàn cầu cũng đang rơi vào sự hỗn loạn sau sự đổ của Lehman Brothers.

“Thời điểm đó, tin xấu đến liên tục, như những gì chúng ta đang nghe vào thời điểm này. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức độ hoảng loạn vào thời điểm đó thậm chí còn cao hơn. Khi đó, tôi nghĩ về Việt Nam và nhận định rằng nước ta thời điểm đó có dân số trẻ, mức độ thâm nhập internet chưa cao, và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Chính vì vậy, tôi có niềm tin rất lớn rằng mọi thứ sẽ ổn bởi đã định hướng được mục tiêu”, ông Tường nói.

Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghệ

“Bản thân tôi tường nói với mọi người một câu rằng: “Dream weak, Aim high, Start small, Move fast”, ông Tường chia sẻ về câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp với mọi người.

Theo đó, lãnh đạo MoMo khuyên mọi người nên có tầm nhìn đủ dài cho định hướng nghề nghiệp của bản thân, đồng thời cũng nên có một giấc mơ. “Tất nhiên, giấc mơ của mỗi người mỗi khác, và từng người nên đi tìm hiểu để xem giấc mơ của mình là gì”, ông Tường chia sẻ.

Đồng thời, ông Tường nói rằng mặc dù nên có những giấc mơ “to lớn”, song bản thân cần “start small”, có nghĩ là bắt đầu với những thứ nhỏ nhất. “Tôi nghĩ việc bắt đầu với những thứ nhỏ chẳng có vấn đề gì cả, nếu đó là những thứ tốt nhất”, CEO MoMo nhấn mạnh.

Sau này, bản thân chúng ta có thể tìm hiểu và xác định những thứ cần học để đạt được những mục tiêu nghề nghiệp lớn hơn. “Mỗi công việc chúng ta cần thiết kế quãng đường để đạt được những kỹ năng cần thiết. Sau một khoảng thời gian nhất định, chúng ta sẽ có đủ kỹ năng cần thiết để làm công việc mong muốn”, ông Tường chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Tường cho rằng mọi người không nên quá lo lắng về vấn đề nghề nghiệp. “Tôi không rõ những ngành nghề khác như thế nào, nhưng riêng với công nghệ, thị trường Việt Nam vẫn đang phát triển rất tốt. Các nhà đầu tư vẫn rất tin tưởng thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội, và trong khoảng 5 – 10 năm tới, ngành công nghệ có khả năng trở thành trụ cột của nền kinh tế nước nhà”, CEO MoMo chia sẻ.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm