Sáng 25/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) theo hình thức trực tuyến.
Tính tới 8h30, tổng số cổ phần của các cổ đông tham dự đại hội là hơn 1,74 tỷ cổ phần, chiếm 83,32% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
Năm 2023, Vinamilk đặt kế hoạch tổng doanh thu 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 44 tỷ đồng với năm ngoái lên 8.622 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ kỳ vọng đạt 8.514 tỷ, tương đương năm 2022.
Về kế hoạch cổ tức, Vinamilk đề xuất giữ nguyên mức trả cổ tức bằng tiền năm 2022 đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lên kế hoạch là 3.850 đồng/cổ phần.
Trước đó, Vinamilk đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp) vào ngày 19/8/2022, tạm ứng đợt 2 với tỷ lệ thanh toán là 14% (1.400 đồng/cp) trong ngày 28/2/2023. Tổng số tiền cổ tức hai đợt công ty đã trả cho cổ đông là 6.061 tỷ đồng.
Do đó, mức cổ tức đợt cuối của năm 2022 là 9,5% (950 đồng/cp). Ngày đăng ký cuối cùng là 4/8, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/8 và dự kiến thanh toán ngày 5/10/2023.
Như vậy, tổng cổ tức là của năm 2022 là 8.046 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chi trả cổ tức xấp xỉ 94% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty (năm 2021 xấp xỉ 76%).
Đối với năm 2023, Vinamilk đề xuấtkế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền năm 2023 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.
Trong đó, doanh nghiệp dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 là 15% bằng tiền (1.500 đồng/cp). Ngày đăng ký cuối cùng là 4/8 và dự kiến thanh toán ngày 5/10/2023. Cổ đông sẽ phê duyệt ủy quyền cho HĐQT quyết định mức tạm ứng cổ tức và thời gian tạm ứng cổ tức cho đợt 2 của năm 2023.
Chia sẻ tại báo cáo thường niên 2022, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc chia sẻ dù tự tin với các kế hoạch thay đổi thúc đẩy quá trình chuyển đổi, môi trường kinh doanh rõ ràng vẫn còn nhiều thử thách. Không như trước đây, với sự phụ thuộc lẫn nhau ngàycàng tăng giữa các quốc gia và thương mại quốc tế, tác động của suy thoái kinh tế trong một nền kinh tế sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn ở những nơi khác. Điều đó có thể có tác động đến người tiêu dùng và các đối tác của Vinamilk.
"Trước những yếu tố này, Vinamilk bước vào năm tài chính 2023 với sự thận trọng và quyết tâm chuyển đổi vì chỉ có chuyển đổi mới có thể vượt qua cái bóng của những thành công trước đây để phát huy hết các tiềm năng trong thời kỳ mới.
Ưu tiên ngắn hạn của Vinamilk sẽ là tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững và có lợi nhuận. Đó là lý do tại sao Vinamilk tập trung vào tối ưu chi phí vận hành để chúng tôi có thể tái đầu tư mở rộng kênh phân phối và củng cố sức mạnh thương hiệu", trích lời của CEO Mai Kiều Liên.
Thảo luận:
Tại thị trường Việt Nam, Vinamilk vẫn có thị phần lớn nhất và có lợi thế cạnh tranh, xin ban lãnh đạo chia sẻ về triển vọng ngành sữa và thách thức của từng ngành hàng?
CEO Mai Kiều Liên: Đối với mỗi ngành hàng có những thách thức riêng do cùng một người tiêu dùng sẽ có những tiêu chí ra quyết định khác nhau tuỳ thuộc vào nhu cầu và thời gian sử dụng, do đó Vinamilk sẽ cần thay đổi cách vận hành hiện tại để có thể linh động tuỳ chỉnh cách tiếp cận cho từng ngành hàng. Tuy nhiên vượt lên tất cả để đảm bảo duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm sẽ luôn là tiêu chí quan trọng nhất mà Vinamilk theo đuổi.
3 năm trở lại đây doanh thu của công ty không đổi song lợi nhuận có xu hướng giảm, ngoài các yếu tố bất lợi khách quan (giá nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu sụt giảm, xung đột Nga-Ukraine), ban lãnh đạo đánh giá ra sao về tác động của các đối thủ cạnh tranh với Vinamilk?
CEO Mai Kiều Liên: Mỗi công ty đều qua các chu kỳ tăng trưởng, phát triển không nằm theo vòng quay của kinh tế. Môi trường ngày càng cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ càng được lợi. Ở giai đoạn hiện tại, Vinamilk đang tập trung tái cấu trúc nguồn lực và mô hình kinh doanh để có thể nắm bắt tốt nhất các cơ hội và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Trong bối cảnh lợi nhuận giảm 3 năm gần đây, công ty vẫn duy trì cổ tức tiền mặt cao, điều này có ảnh hưởng tới hoạt động tái đầu tư của Vinamilk để duy trì lợi thế cạnh tranh không?
CEO Mai Kiều Liên: Cho từng thời điểm, Vinamilk có cân nhắc lỹ lưỡng để tối ưu hoá dòng tiền trong việc phân bổ ngân sách cho hoạt động kinh doanh.
Mục tiêu của chuỗi Giấc mơ sữa Việt là gì?
CEO Mai Kiều Liên: Mục tiêu chính là giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh của công ty hay để tăng doanh thu bán hàng. Nếu mục tiêu là tăng doanh số bán hàng thì làm sao để mục tiêu đó không xung đột lợi ích với kênh phân phối khác?
Chúng tôi xác định rõ mỗi kênh phân phối có lợi thế riêng giúp Vinamilk tiếp cận gần hơn người tiêu dùng và cân bằng mục tiêu để tối đa hoá lợi ích của từng kênh đem lại. Kênh cửa hàng và thương mại điện tử sẽ được phát triển với nhiều mục tiêu ngoài mục tiêu tăng trưởng doanh số.
Biện pháp và kế hoạch cụ thể để tăng thị phần và doanh số trong thời gian tới?
CEO Mai Kiều Liên: Vinamilk đã có chiến lược rất cụ thể trong các mảng hoạt động để đáp ứng của người tiêu dùng. Vinamilk sẽ tập trung đáp ứng ở ba điểm: chất lượng, giá cả, dịch vụ để tăng doanh số và thị phần.
Những năm gần đây mức tăng trưởng thị trường sữa của Việt Nam đang chậm lại, ban lãnh đạo đánh giá thị trường này đã bão hoà chưa? Làm sao để công ty có thể tăng trưởng trong giai đoạn này?
CEO Mai Kiều Liên: Thị trường sữa tại Việt Nam hiện chưa bão hoà. Thứ nhất là dân số vẫn tăng, thứ hai là thu nhập của người dân có lúc tăng lúc giảm nhưng xu thế là tăng. Thứ ba là mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước xung quanh khu vực.
Kế hoạch khởi công và xây dựng nhà máy sữa ở Hưng Yên, tiến độ và kế hoạch đưa vào vận hành chính thức?
CEO Mai Kiều Liên: Thủ tục về đất đai còn phức tạp, sau khi xong thủ tục đất đai sẽ khởi công. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 2025.
Xu hướng giá nguyên vật liệu và giá bán cùng biên lợi nhuận của Vinamilk trong năm 2023?
CEO Mai Kiều Liên: Năm 2023, xu hướng giá nguyên vật liệu đã giảm và hi vọng biên lợi nhuận của Vinamilk sẽ tốt hơn năm ngoái.
Đánh giá về xu hướng giá sữa bột thế giới trong thời gian tới và dự kiến biên lợi nhuận gộp năm 2023 có quay về mức trước dịch hay không?
CEO Mai Kiều Liên: Giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm nhưng giảm cho tới tháng 4 vừa qua, trên sàn đấu giá quốc tế, giá sữa bột tăng rất mạnh trở lại. Thực sự, giá nguyên vật liệu phụ thuộc tình hình của thế giới. Vấn đề là Vinamilk làm sao nắm bắt để chốt được vào thời điểm tốt nhất.
Về giá sữa tươi nguyên liệu đối với bà con nông dân, năm nay Vinamilk đã tăng lên 7% do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng rất cao. Với những ảnh hưởng đó, Vinamilk sẽ cố gắng giảm chi phí, tăng doanh thu thì biên lợi nhuận sẽ tốt hơn. Để đạt được biên lợi nhuận như trước COVID-19 thì phải một năm nữa.
Tình hình xuất khẩu của Vinamilk và chiến lược của công ty để thâm nhập các thị trường nước ngoài?
CEO Mai Kiều Liên: Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là lạm phát của các nước tăng rất cao. Khi Vinamilk xuất khẩu bằng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá bán của sản phẩm Vinamilk tại thị trường xuất khẩu.
Vì vậy, xu hướng xuất khẩu trong vài năm tới cũng là một câu hỏi. Vinamilk sẽ cố gắng tìm biện pháp để tăng cường có mặt tại các thị trường, tăng cường gia công. Ví dụ, đối với sữa bột trẻ em Vinamilk đã xuất khẩu ở trong bao 25 kg, thứ nhất là tiết kiệm chi phí, thứ hai là giá thành giảm.
Các trang trại chăn nuôi bò ở Lào sẽ giúp giảm lượng nhập khẩu sữa bột của Vinamilk bao nhiêu % khi trang trại này hoạt động hết công suất? Dự kiến khi nào trang trại này hoạt động hết công suất?
CEO Mai Kiều Liên: Đối với trang trại ở Lào, đã đi vào hoạt động, có 1.000 con bò và đã bắt đầu vắt sữa. Trong năm nay, trang trại sẽ bổ sung thêm 7.000 con bò. Đối với 8.000 bò này thì lượng sữa nếu chạy hết công suất thì tương đương một trang trại Green Farm ở Tây Ninh, khoảng 100 tấn sữa tươi/ngày trong tổng số 1,1 triệu lít sữa tươi Vinamilk tự sản xuất và thu mua của bà con nông dân.
Đối với mảng sản xuất thịt với đối tác Nhật, Vinamilk đang hướng tới tập khách hàng nào? Sản phẩm thịt của Vinamilk có lợi thế cạnh tranh ra sao với các thịt chất lượng cao nhập khẩu vào Việt Nam
CEO Mai Kiều Liên: Trong hai năm vừa qua, Vinamilk đã thí nghiệm về chế độ ăn uống, phương thức chăn nuôi. Vừa rồi tổng kết đợt thí nghiệm 20 lứa đầu tiên có kết quả khả quan. Thứ nhất là chất lượng thịt được người tiêu dùng chấp nhận, đảm bảo theo tiêu chuẩn Nhật. Thứ hai là biên lợi nhuận tốt. Đây là dự án tuy không lớn nhưng tận dụng lợi thế sẵn có của Vinamilk.
Vì sao lợi nhuận trước thuế của Vinamilk năm 2022 giảm gần 20% trong khi doanh thu chỉ giảm 2% so với năm trước?
CEO Mai Kiều Liên: Trong quá trình hoạt động 47 năm của Vinamilk, chưa bao giờ giá nguyên liệu tăng cao từ 30%, thậm chí có nguyên liệu tăng 50%. Thứ nhất là do chiến tranh, thứ hai là chi phí vận chuyển tăng 5-6 lần.
Tất cả vấn đề này đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành của Vinamilk nhưng công ty không thể chuyển hết chênh lệch đó vào giá bán do thế giới và Việt Nam đều khó khăn. Sữa là sản phẩm thiết yếu của người tiêu dùng, nên để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và chia sẻ khó khăn đối với người tiêu dùng trong thời kỳ lạm phát nên Vinamilk chỉ tăng giá bán 3%.
Việc tăng giá này không đủ bù việc giá nguyên vật liệu tăng cao nên lợi nhuận giảm. Bà Liên cho rằng đây là hướng đi đúng đắn của Vinamilk.
Kế hoạch M&A trong thời gian tới?
CEO Mai Kiều Liên: Vinamilk đã tham khảo nhiều dự án ở Indonesia, Mỹ. Sau khi xem xét thì trong vòng một năm tới, công ty chưa có nhu cầu M&A.
Sữa của Vinamilk có lợi thế gì để cạnh tranh với sữa ngoại nhập khẩu?
CEO Mai Kiều Liên: Với ngành hàng sữa bột của Vinamilk, công ty có hai nhà máy tự sản xuất có tháp sấy, với công thức tối ưu nhất cho trẻ em, thành phần gần nhất với sữa mẹ. Vừa qua, Vinamilk đã hợp tác với 6 tập đoàn dinh dưỡng, công ty muốn phát triển dòng sữa trẻ em tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp với sức mua của người tiêu dùng Việt.
Sữa ngoại là một phân khúc của một số đối tượng khách hàng, vấn đề Vinamilk làm sao để khách hàng đó chuyển từ sữa ngoại sang sản phẩm của Vinamilk.
Hiện Vinamilk hợp tác với 2.000 điểm lẻ bán sữa, trong những điểm lẻ đó vẫn bán sữa ngoại để cùng cạnh tranh. Càng cạnh tranh thì người tiêu dùng càng được lợi.
Tình hình sức mua của người tiêu dùng của từng ngành hàng của vinamilk trong quý I/2023? Kết quả kinh doanh quý I là bao nhiêu?
CEO Mai Kiều Liên: Quý I vẫn bị ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu quý IV/2022 nên lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Trong khi giá nguyên vật liệu 2022 hưởng lợi của giá nguyên liệu thấp năm 2021. Bắt đầu từ quý II giá nguyên vật liệu tương đối ổn định và kết quả kinh doanh tốt lên từ quý II và quý III trở đi.
Trong mục tiêu tăng trưởng 5,5% về doanh thu năm 2023, ban lãnh đạo kỳ vọng thị trường nội địa, xuất khẩu và các công ty con ở nước ngoài ra sao?
CEO Mai Kiều Liên: Mức tăng trưởng 5,5% thì Vinamilk tính gộp cả nội địa và xuất khẩu. Có những lúc xuất khẩu tăng rất cao nhưng đến đầu quý II lại giảm. Còn thị trường nội địa quý đầu không tăng nhưng quý II lại tăng tốc.
Vì sao giá nguyên liệu đầu vào đã giảm nhiều trong một năm qua nhưng Vinamilk đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang, doanh thu chỉ tăng 5,5%? Tới thời điểm hiện tại, Vinamilk đã chốt được giá nguyên vật liệu tới tháng mấy?
CEO Mai Kiều Liên: Vinamilk đã chốt từng thời điểm với giá tốt nhất. Trong xu thế giá nguyên vật liệu tăng/giảm bất thường, có lúc giảm 2% nhưng cũng có thời điểm tăng 8%. Vinamilk đã chốt giá tới hết tháng 8.
Nguyên tắc là phải dự trữ được 3 tháng, một tháng đi đường, một tháng trong sản xuất và một tháng tồn kho.
Có thông tin năm qua thị phần của Vinamilk đã giảm? Công ty hiện đã lấy lại được thị phần giảm hay chưa? Những phát kiến mới, sản phẩm mới công ty dự kiến đưa ra thị trường năm nay để tăng cường sự cạnh tranh?
CEO Mai Kiều Liên: 2022 khó khăn như vậy nên thị phần có giảm. Từ 2022, công ty sẽ thực thi chiến lược của 5 năm tiếp theo và năm ngoái là năm khởi đầu cho việc xác định quy mô, vấn đề cần cải thiện.
2022 đã xác định xong và 2023 bắt đầu triển khai trong tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, nội địa, xuất khẩu, R&D, nhân sự. Theo đánh giá cá nhân của CEO, cổ đông có thể tin tưởng vào tương lai sắp tới của Vinamilk.
Tình hình xuất khẩu năm nay có tăng trưởng không?
CEO Mai Kiều Liên: Kế hoạch 2023 thì xuất khẩu dự kiến cũng tăng trưởng bằng nội địa là 5,5%, song còn tuỳ theo thời điểm cụ thể ra sao, có thể chuyển từ nội địa bù sang xuất khẩu.
Việc hợp tác với 6 tập đoàn dinh dưỡng quốc tế phục vụ mục tiêu xuất khẩu sẽ hợp tác bằng hình thức gì?
CEO Mai Kiều Liên: Tận dụng được lợi thế là Vinamilk có thể sản xuất tại Việt Nam cùng với các công trình nghiên cứu, nguyên vật liệu của 6 tập đoàn đó để tạo ra sản phẩm tốt hơn.
Vinamilk có định hướng xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc hay thị trường châu Á nói chung hay không?
CEO Mai Kiều Liên: Vinamilk xuất khẩu trên 58 nước, mỗi nước có mặt hàng riêng. Đối với Trung Quốc, Vinamilk đã xuất khẩu từ nhiều năm nay. Với châu Á, Vinamilk có liên doanh với công ty của Philippines, sau này nếu thị trường đủ lớn sẽ xây dựng nhà máy và trang trại bò tại Philipines.
Vinamilk có dự định điều chỉnh giá bán trong thời gian tới để cải thiện biên lợi nhuận hay không?
CEO Mai Kiều Liên: Về giá bán, trong bối cảnh lạm phát, Vinamilk dự kiến tăng từ 3-5% tuỳ mặt hàng vì hiện nay sức mua yếu.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.