Tại cuộc họp về tình hình thực hiện cầu Đại Ngãi vào ngày 25/10, Thứ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết dự án sẽ được khởi công gói thầu đầu tiên trong quý I/2023.
Thứ trưởng GTVTnhấn mạnh đây là dự án lớn, có vai trò quan trọng đối với hai địa phương và khu vực Tây Nam Bộ, giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, đặc biệt dự án sử dụng vốn từ chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.
Ông yêu cầu Ban Quản lý dự án 85, tư vấn và các bên liên quan cần phải khẩn trương hơn nữa để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án đầu tư làm cơ sở triển khai thực hiện.
Theo Thứ trưởng Lâm, với một số hạng mục cụ thể, Ban Quản lý dự án 85 cần tính toán, xem xét thêm những phương án khác để so sánh và quyết định, đảm bảo tối ưu và hiệu quả đầu tư; khảo sát kỹ những điều kiện về địa chất, thủy văn của khu vực triển khai dự án để có phương án kỹ thuật phù hợp…
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85 xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể, đặc biệt là kế hoạch giải ngân vốn đầu tư; tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện, phê duyệt các thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng,…
“Các bên liên quan phải tích cực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ để đảm bảo trình Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư trong năm 2022 và phấn đấu khởi công gói thầu đầu tiên của dự án trong quý I/2023,” ông nói.
Dự án cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019, với vốn đầu tư bằng nguồn ODA của Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó dự án được điều chỉnh chủ trương tại quyết định số ngày 22/7/2022 là đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.014 tỷ đồng.
Toàn bộ dự án có 5 nút giao, các cầu trên tuyến gồm 5 cầu kết cấu nhịp đơn giản và 2 cầu lớn vượt sông Hậu gồm Đại Ngãi 1 (cầu dây văng)-luồng Định An, Đại Ngãi 2 (cầu đúc hẫng cân bằng)-luồng Trần Đề.
Khi hoàn thành, dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phân luồng, giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách 80km so với sử dụng tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP HCM, giảm thời gian di chuyển khoảng 1,5-2 giờ chờ và di chuyển qua 2 phà vượt sông Hậu.