Chị Đoàn Thị Liên (48 tuổi) không lạ gì sự nghiệt ngã của bệnh ung thư bởi chính nó đã cướp đi người chồng chị 6 năm trước. Vắng chồng, người phụ nữ ở huyện miền núi Tánh Linh, Bình Thuận, đã tự nhủ sẽ cố gắng một mình nuôi ba con ăn học. Không ngờ, căn bệnh hiểm nghèo này lại tìm đến con chị.
Chị Liên kể, đầu năm nay khi tiêm xong mũi vaccine Covid thứ 2, hai chân của bé Nguyễn Ngọc Bi (13 tuổi) bất ngờ xuất hiện dày đặc các vết bầm đen. Đưa con đến phòng khám, chị choáng váng khi nghe bác sĩ nói nghi bé bị khô tuỷ, yêu cầu vào khám tại TP HCM.
Vay mượn được 5 triệu đồng, người mẹ bắt xe đò ngay trong đêm, đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Bi mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy M3, phải tiến hành hoá trị. Khoảnh khắc nghe đến căn bệnh ung thư, chị Liên sụm xuống, bật khóc. Bé Bi hỏi, chị không nói mà chỉ động viên con cố gắng điều trị.
Nhưng chẳng giấu được con lâu bởi mọi giấy tờ nhập viện, bệnh án Bi đều phải viết vì mẹ không biết chữ. Bất kể khi nào nhân viên hành chính khoa gọi tên người thân, Bi đều có mặt cùng mẹ. Lá đơn xin hỗ trợ chi phí điều trị gửi đến chương trình Mặt trời Hy Vọng, cũng chính Bi là người viết thay mẹ.
Cậu bé 13 tuổi hiểu, chấp nhận căn bệnh và hoàn toàn phối hợp, lạc quan để điều trị bệnh.
Đợt hoá trị đầu tiên, Bi hầu như không ăn uống được gì, chỉ nôn ói. Chị Liên thức trắng đêm để nâng giấc cho con. Tóc Bi rụng ngày càng nhiều. Dù buồn, cậu thủ thỉ bảo "mẹ cạo đầu cho con để đỡ dọn dẹp vất vả".
Giục mẹ cắt tóc nhưng khi bạn bè và cô giáo vào thăm, Bi vội lấy mũ đội vì mắc cỡ. Dần dà, cậu bé cũng quen với cái đầu trọc. Hiện tại, sau khi trải qua ba đợt hoá trị, tóc em bắt đầu mọc lại. Bi thích thú, cứ trông đợi từng ngày cho tóc dài ra.
Chị Liên kể, hai đợt hoá trị đầu, chân Bi tê cứng, đau nhức, mỗi bước đi em phải mở thật rộng 2 đầu gối để lấy sức nhưng vẫn không cho mẹ bế vì sợ mẹ mệt. Truyền thuốc đau đớn, việc tiêm thuốc giảm đau gây nhiều nguy cơ với sức khoẻ, Bi bấu tay chặt vào giường chịu đựng, tuyệt nhiên không rơi nước mắt. "Nó bảo, là con trai thì phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mẹ", người mẹ nói.
Sau mỗi đợt hoá trị, bác sĩ cho Bi về nhà 10 ngày. Thời gian đó, chị Liên lại tranh thủ đi làm phụ hồ, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ngoài Bi và con gái thứ 2 đang học lớp 12, chị Liên còn đón cháu ngoại và con gái đầu về chăm sóc. Gần 6 tháng qua, cả nhà hầu như không có thu nhập. Bé Bi trải qua 4 đợt hoá trị, mẹ cũng vay mượn gần 100 triệu đồng. Ngoài chi phí ăn uống sinh hoạt của con, số tiền này còn dùng để mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm.
"Khổ sở mấy tôi cũng chịu được, chỉ mong con khoẻ mạnh bình an vượt qua bệnh tật. Tôi đã mất chồng vì căn bệnh ung thư, giờ làm mọi giá tôi phải cố để giữ lại con bên mình’’, chị nói.
Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Khánh Vi, Khoa Ung Bướu Huyết học, bác sĩ điều trị của Bi cho biết: Bé nhập viện trong tình trạng xanh xao, thiếu máu, da nhiều vết bầm. Kết quả chẩn đoán cho thấy Bi mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy nhóm M3 - tình trạng bệnh ít gặp hơn so với các loại ung thư máu khác. Bác sĩ cho biết: "Sau 4 đợt hoá trị, Bi sẽ duy trì tái khám thêm 2 năm. Hiện bé đang điều trị đợt hoá trị cuối cùng, tiên lượng tốt, 90% có thể sống được. Tuy nhiên để đánh giá có khỏi bệnh hay không thì cần thời gian ít nhất là 5 năm’’.
Theo bác sĩ Vi, dấu hiệu thường gặp của bệnh ung thư máu dòng tuỷ cũng giống những loại ung thư máu khác, bao gồm thiếu máu, bầm da, đau khớp, nhức tay chân, sốt kéo dài... một số dấu hiệu nặng hơn như liệt mặt, méo miệng, sưng mắt, yếu tay chân không đi được.
Đối với tình trạng của bé Bi, may mắn là được phát hiện sớm nên quá trình điều trị cũng dễ dàng và đáp ứng tốt hơn. "Mẹ bé không biết chữ nên tất cả hồ sơ bệnh án cần người nhà điền thông tin, một tay Bi tự viết rồi mẹ ký. Cả bệnh nhi và mẹ đều luôn vui vẻ, lạc quan, hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị, bác sĩ Vi nhận xét.