Việc WeWork nộp đơn xin phá sản đã khép lại một câu chuyện kéo dài nhiều năm, đồng thời hé lộ những sai sót trong phong cách đầu tư của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, tờ South China Morning Post viết.
Ông Son bất chấp sự phản đối của các cộng sự, đã rót hàng tỷ USD từ SoftBank Group và quỹ đầu tư Vision Fund cho Adam Neumann - người sáng lập WeWork, từ đó nâng định giá startup này lên con số 47 tỷ USD vào đầu năm 2019.
Chỉ vài tháng sau, những tổn thất và xung đột lợi ích đã được tiết lộ trong hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của WeWork. Sự sụt giảm giá cổ phiếu sau đó của kỳ lân công nghệ đã khiến SoftBank gánh thiệt hại nhiều hơn cả khoản đầu tư 11,5 tỷ USD và một khoản nợ 2,2 tỷ USD khác vẫn chưa được xử lý.
Đà lao dốc thấy rõ của WeWork cùng với khoản lỗ kỷ lục 32 tỷ USD của quỹ Vision Fund đã huỷ hoại danh tiếng tỷ phú Son như một nhà đầu tư khôn ngoan, vốn được giới đầu tư mạo hiểm ca tụng sau cú đặt cược ngay từ đầu vào Alibaba.
“Người ta có thể sửa chữa những sai lầm, nhưng làm sao có thể lấy lại được danh tiếng khi bị gắn mác là không biết đang làm gì”, ông Aswath Damodaran, Giáo sư tại trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York nói. Vị giáo sư đánh giá hành động của ông Son chứng tỏ một cái tôi kiêu ngạo.
Giáo sư Damodaran nói rằng kinh nghiệm của tỷ phú Son sau khi thoát ra khỏi khủng hoảng dot-com và chiến thắng với khoản đầu tư vào Alibaba đã ảnh hưởng tới phán đoán của ông.
“Trước WeWork, người ta nhận thấy SoftBank là một tổ chức cực kỳ cẩn thận, thông minh và có tầm nhìn xa”, ông nói. “Nhưng thành công lại khiến họ bị lầm tưởng rằng họ biết nhiều hơn những người khác. Và đây là mầm mống cho sự sụp đổ”.
Tỷ phú Son thành lập quỹ Vision Fund vào năm 2017 với mục tiêu trở thành quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới. Quỹ này đã rót hơn 140 tỷ USD vào hàng trăm công ty khởi nghiệp. Ông bị các đối thủ ở Thung lũng Silicon chỉ trích với phóng cách tăng định giá và trả cho các founder nhiều tiền hơn mức họ yêu cầu.
Bản thân ông Son cho rằng những quyết định xuất phát từ bản năng. Nhưng sự tin tưởng vào trực giác có thể đã khiến ông không chú ý đến những cảnh báo, sự phản đối của các cố vấn và thậm chí là cả những lo lắng do chính founder WeWork nêu ra.
“Tôi đã phải lòng WeWork”, ông Son nói với các cổ đông vào tháng 6, đồng thời cho biết thêm rằng một số thành viên hội đồng quản trị đã cảnh báo về niềm tin sai lầm của ông. Song, ông vẫn tiếp tục khuyến khích Neumann suy nghĩ lớn hơn.
Ngay cả sau khi WeWork phải hủy kế hoạch IPO vào năm 2019, SoftBank vẫn đứng ra tung ra gói giải cứu trị giá 9,5 tỷ USD. Trong một bài diễn thuyết, ông Son đã bảo vệ quyết định này của mình, dựa trên giả thuyết WeWork có lợi nhuận.
Quyết tâm tạo ra những kỳ lân với tốc độ chóng mặt bằng cách thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tăng giá trị định giá của ông Son đã phải trả giá đắt. Chỉ vài năm sau, những bong bóng giá trị như vậy đã sụp đổ khi dòng vốn đầu tư không thể chuyển đổi thành doanh thu, lợi nhuận và IPO.
Ông Kirk Boodry, nhà phân tích tại Astris Advisory, cho biết: “Điều quan trọng không chỉ là khoản đầu tư thua lỗ mà còn là câu chuyện đằng sau. Việc bơm tiền mặt ồ ạt đã dẫn đến mức định giá ảo tăng cao và cả sự kiêu ngạo”.
Quỹ Vision Fund của SoftBank dự kiến sẽ có lãi trong quý này, nhưng hiệu suất vẫn kém. SoftBank đã mất hàng tỷ USD khi đặt cược vào Didi Global của Trung Quốc, trong khi các startup như Katerra, OneWeb và Zume Pizza đã nộp đơn xin phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Khoản lỗ ngày càng gia tăng đã khiến ông Son phải tạm dừng hoạt động đầu tư vào năm ngoái, cắt giảm nhân sự tại Vision Fund và áp dụng biện pháp thẩm định chặt chẽ hơn.
Nhà phân tích Boodry của Astris Advisory cho biết: “WeWork phá sản đã khiến các quỹ đầu tư Vision Fund 1 và Vision Fund 2 nhận ra nhược điểm. Mọi người có lẽ sẽ bớt lo lắng hơn về những khoản lỗ trong danh mục”.
Tuy nhiên, Giáo sư Damodaran lại không nghĩ vậy. Ông cho rằng chỉ có một người nắm quyền quyết định tại SoftBank, đó là tỷ phú Son khi ông sở hữu khoảng 30% cổ phần. Và phong cách đầu tư của ông khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.