Doanh nghiệp

Cập nhật KQKD quý III: Nhóm chứng khoán lãi lớn, doanh nghiệp nhiệt điện gặp khó, nhiều công ty thép vẫn lỗ

Theo dữ liệu từ Wichart, tính tới trưa 18/10, có khoảng 130 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính.

Nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận lợi nhuận ròng tăng đột biến so với cùng kỳ với mức tăng trên 100% như Chứng khoán VIX (Mã: VIX) , CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) , CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC), CTCP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR), Chứng khoán DSC (Mã: DSC) ,... Hay Chứng khoán FPT (Mã: FPS)  lãi ròng cao nhất 6 quý, trong khi cùng kỳ lỗ 60 tỷ.

Trái lại có nhiều công ty lớn ghi nhận lãi ròng quý III suy giảm như: Ngân hàng VPBank (Mã: VPB), Ngân hàng Bac A Bank (Mã: BAB), CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Mã: PVP), CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (Mã: PGD), CTCP Đầu tư Phát triển điện Miền Bắc 2 (Mã: ND2),  CTCP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (Mã: BSQ),...

Dù chưa công bố báo cáo tài chính song theo công bố của CTCP FPT (Mã: FPT) , tập đoàn lại tiếp tục thiết lập mức đỉnh lợi nhuận trong quý III.

Quý III, FPT ghi nhận 13.761 tỷ doanh thu, 1.739 tỷ lãi ròng; tăng lần lượt 23% và 20% so với quý III/2022. 9 tháng, tập đoàn lãi ròng 4.742 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp trên sàn. (Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart).

Tính tới chiều 18/10, dữ liệu từ Wichart cho thấy đã có trên 20 đơn vị thua lỗ quý III, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (Mã: NT2) , CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) ,...

Kinh doanh dưới giá vốn, NT2 lỗ ròng 124 tỷ quý III, cùng kỳ lãi 199 tỷ và là mức lỗ nặng nhất kể từ khi lên HOSE (tháng 6/2015). Giải trình việc thua lỗ, doanh nghiệp cho biết doanh thu sản xuất điện giảm do Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 dừng máy tiến hành đại tu từ ngày 7/9.

Cũng trong nhóm nhiệt điện, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) vừa công bố báo cáo quý III với lãi ròng 84 tỷ, giảm 46% so với cùng kỳ.

Trước đó,Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power ) đã ước lỗ trước thuế 47 tỷ quý III trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào (than, khí); sự lệch pha giữa nhu cầu điện và khả năng cấp khí; giá nguyên, vật liệu sản xuất tăng cao,...

Còn với Tisco, sản lượng tiêu thụ thép giảm 8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 14.190 tấn khiến doanh thu đi xuống. Bên cạnh đó, các chi phí ăn mòn lợi nhuận gộp khiến Tisco lỗ ròng 59 tỷ quý III.

Ngoài Tisco thì một số đơn vị nhỏ khác trong ngành thép cũng thua lỗ quý III như CTCP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA), CTCP Thép Thủ Đức - VNSteel (Mã: TDS).

 Danh sách các doanh nghiệp thua lỗ tính tới chiều 18/10. (Nguồn: HK tổng hợp dữ liệu từ Wichart).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm