Theo đó, trong các ngày từ 27 đến 31/7, tuyến cao tốc này thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn ứ kéo dài hàng km qua các trạm thu phí gây ra nhiều phiền phức cho người tham gia giao thông.
Các tài xế quyết định di chuyển theo hướng phà Cát Lái (TPHCM) đi huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để né kẹt xe trên cao tốc. Do lượng phương tiện đổ dồn về phà vào ngày cuối tuần khiến khu vực này trở nên ùn ứ.
Nhân viên hỗ trợ chủ phương tiện dán thẻ ETC Ảnh: Hữu Huy
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - đại diện Xí nghiệp quản lý phà Cát Lái cho biết, trong những ngày gần đây, khi tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây triển khai thu phí tự động thì lượng xe đổ về phà Cát Lái rất đông, tăng gần gấp đôi so với tuần trước.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08) - Bộ Công an, nguyên nhân kẹt xe trong những ngày thí điểm thu phí tự động trên cao tốc này là do gần 50% các phương tiện lưu thông trên cao tốc chưa dán thẻ thu phí tự động. Các xe này phải dừng trước các trạm thu phí trên cao tốc để nhân viên hướng dẫn dán thẻ thu phí tự động nên dẫn đến ùn tắc giao thông.
Theo ông Lâm Quân Trường - Chủ xe hợp đồng ở quận 10 (TPHCM), ngoài việc ùn tắc gây thiệt hại về thời gian và kinh tế (tiền xăng), những ngày qua, ông và các tài xế khác đang rất bức xúc vì tình trạng phương tiện bị dán thẻ “ảo”.
“Gần đây, sắp đến hạn phải thu phí không dừng, tôi nhờ tài xế đi dán thẻ Etag của VETC. Khi ra tới nơi thì được thông báo là xe đã dán thẻ ePass và không thể dán thêm thẻ khác được, trừ khi tôi huỷ hợp đồng dịch vụ với ePass. Từ trước tới nay tôi chưa hề dán thẻ của ePass lên xe”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, hiện nay có rất nhiều tài xế phải đi đến Đồng Nai (trụ sở ePass) để hủy dịch vụ ảo rồi mới có thể dán thẻ của VETC.