Xuất hiện nhiều ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc
Hai ứng dụng đầu tư chứng khoán có tên giống nhau là CSI, tên gọi viết tắt của Công ty chứng khoán Kiết Thiết Việt Nam, nhưng một ứng dụng là giả mạo.
Điều đáng nói, đây không phải trường hợp cá biệt. Khi thời gian qua, trên thị trường liên tục xuất hiện nhiều ứng dụng kêu gọi đầu tư chứng khoán giả mạo và không rõ nguồn gốc khiến nhiều nhà đầu tư dễ bị nhầm lẫn.
Hai tuần nay, một nhà đầu tư liên tục nhận được cuộc gọi từ số máy lạ mời chào tham gia các khóa học từ nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc, trong đó có 1 ứng dụng có tên là CSI. Nhân viên này giới thiệu đây là quỹ hợp tác với công ty chứng khoán CSI, do vậy nếu nhà đầu tư tham gia đầu tư từ tài khoản của quỹ sẽ có nhiều ưu đãi.
"Cam kết lợi nhuận lên đến 600%/năm. Ngoài ra họ còn mời chào kết nối trực tiếp với sàn, không qua các sàn giao dịch, để đẩy mạnh vấn đề T+0. Các mã chứng khoán đã trần rồi rất khó khớp lệnh thì thông qua ứng dụng của họ là được khớp luôn", nhà đầu tư chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư mở tài khoản, lại được yêu cầu nạp tiền vào một công ty bất động sản, không phải là tài khoản của Công ty chứng khoán Kiến Thiết (CSI).
"Những app dạng như này hoàn toàn là giả mạo. Khi nhà đầu tư truy cập vào trong app không có bất cứ thông tin liên quan gì đến CSI", ông Hoàng Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cho biết.
Môi giới của ứng dụng khác có tên là Fast Trading, cũng liên tục mời chào, lôi kéo các nhà đầu tư bỏ tiền vào ứng dụng này.
Trên trang web: 1fastworld.com, ứng dụng này quảng cáo Fast Trading là một trong những tổ chức lớn nhất Việt Nam, nổi tiếng với các dịch vụ tài chính như chứng khoán, quản lý quỹ… Nếu khách hàng mở tài khoản giao dịch tại đây thì có thể được bán sớm, cho vay đòn bẩy gấp 10 lần, hay có thể đẩy trực tiếp lệnh đến sàn giao dịch, mà không cần thông qua các công ty chứng khoán.
Quảng cáo hoành tráng là vậy nhưng ứng dụng này lại không có thông tin gì về tên công ty, mã số thuế, hay giấy phép thành lập.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, chưa từng cấp phép hoạt động về tư vấn chứng khoán cho tổ chức, doanh nghiệp nào có tên là Fast Trading.
"Tất cả các doanh nghiệp có thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, hành vi đó vi phạm pháp luật về chứng khoán", ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay.
Trước đó, một số công ty chứng khoán và cơ quan quản lý cũng lên tiếng cảnh báo vì bị mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã cảnh báo có hiện tượng một số website giả mạo đã sử dụng trái phép logo, hình ảnh nhận diện thương hiệu và thông tin hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, kêu gọi huy động tiền và đầu tư chứng khoán trực tiếp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Sự thật về quảng cáo của các ứng dụng đầu tư chứng khoán không rõ nguồn gốc
Dù là giả mạo và không rõ nguồn gốc, nhưng các ứng dụng trên đây lại có những chiêu trò để dụ dỗ nhà đầu tư rất hấp dẫn, khiến không ít người dù có nghi ngờ nguồn gốc của các ứng dụng này nhưng vẫn cứ mạo hiểm đầu tư thử. Điều nguy hiểm là khi thấy lợi nhuận trong tài khoản tăng lên trong những lần giao dịch đầu, nhà đầu tư đã không giữ được sự tỉnh táo và thận trọng mà càng bỏ thêm tiền vào.
Giao dịch cổ phiếu T+0, được mua bán trong ngày; lợi nhuận "khủng", đòn bẩy cao lên tới 10 lần; được đẩy lệnh trực tiếp vào sàn giao dịch, không cần thông qua các công ty chứng khoán trung gian, thậm chí là được mua cổ phiếu ưu đãi với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, điển hình như cho phép nhà đầu tư được mua cổ phiếu REE với giá 53.330 đồng, trong khi giá hiện tại của cổ phiếu này là trên 86.000 đồng, tức rẻ hơn tới gần 40%.
"Họ bảo là họ sẽ mua cổ phiếu lúc nó chưa ra thị trường, mua trước khi lên sàn, giá thấp hơn giá thị trường. Mình mua vào thì sẽ rẻ hơn giá ngoài thị trường nên lợi nhuận cao hơn khi mình mua cổ phiếu của những app kia", một nhà đầu tư chia sẻ.
Quảng cáo là vậy, nhưng các ứng dụng này lại không công khai được danh mục mà quỹ đang nắm giữ. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là chiêu trò để dụ dỗ nhà đầu tư.
"Các nhà đầu tư có thể đòi hỏi show danh mục xem quỹ đó nắm cổ phiếu đó bao nhiêu, thuộc công ty chứng khoán nào, mình có thể tra xem tài khoản đó có hợp pháp hay không", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nói.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hiện chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được mua bán chứng khoán trong ngày T+0. Vì vậy những lời quảng cáo của các ứng dụng giả mạo trên là không đúng. Ngoài ra, cũng chưa có đơn vị nào được đẩy lệnh thẳng lên sàn giao dịch.
"Không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không phải là thành viên của sở giao dịch được nhập lệnh và chuyển lệnh trực tiếp vào sở giao dịch chứng khoán. Một trong những nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán là nguyên tắc trung gian. Các lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán phải được thực hiện qua các công ty chứng khoán. Từ các công ty chứng khoán được truyền lệnh về Sở và thực hiện khớp lệnh. Nguyên tắc này được áp dụng tại Việt Nam cũng như toàn bộ thị trường chứng khoán trên toàn cầu", ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định.
Một chi tiết đáng lưu ý là trong khi muốn mở tài khoản tại các công ty chứng khoán chính thống, nhà đầu tư cần phải có chứng minh thư, số điện thoại và email, trong khi các ứng dụng giả mạo, không rõ nguồn gốc chỉ yêu cầu nhà đầu tư cung cấp số điện thoại.
Số tài khoản chứng khoán hợp pháp theo quy định phải có 10 ký tự, bao gồm cả chữ cái và số, trong khi các ứng dụng giả mạo lại lấy ngay số điện thoại của nhà đầu tư làm số tài khoản. Do vậy, khi nhà đầu tư giao dịch tại các ứng dụng chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc, sẽ không được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) ghi nhận, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư hoàn toàn không sở hữu cố phiếu nào, rủi ro rất lớn.
"Tài khoản của nhà đầu tư thực chất không sở hữu cổ phiếu. Việc sở hữu của nhà đầu tư chỉ thể hiện trên app mạo danh đó và hoàn toàn là ảo. Còn thực tế, nhà đầu tư không hề sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào. Cực kỳ rủi ro, vì nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu mà không hoàn toàn sở hữu cổ phiếu, khi xảy ra tranh chấp gì thì nhà đầu tư không có căn cứ pháp lý nào để có thể đòi lại tài sản của mình", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho biết.
Rủi ro mất tiền là hiện hữu. Điển hình như cách đây không lâu, hàng nghìn nhà đầu tư tham gia ứng dụng đầu tư chứng khoán không rõ nguồn gốc có tên là StockX, khi ứng dụng này cũng quảng cáo cho giao dịch T+0, cam kết lợi nhuận 600%/năm, được mua cổ phiếu rẻ hơn so với thị trường. Tuy nhiên sau khi nhà đầu tư nạp tiền vào một thời gian, mới đây ứng dụng này đã dừng hoạt động, toàn bộ nhà đầu tư đã mất trắng tiền.