Bất động sản

Cần Giờ liên tục đón tin vui cận Tết, động thái mới của giới đầu tư địa ốc

Trước đến nay, so với huyện Hóc Môn, Củ Chi thì thị trường bất động sản Cần Giờ ít được nhắc đến. Do nhiều nhà đầu tư đã từng ôm đất vườn, đất nông nghiệp tại đây từ khá lâu nhưng thị trường không sôi động bằng các khu vực khác.

Mới đây, thông tin Thủ tướng đề nghị tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm Tp.HCM đến huyện Cần Giờ gây xôn xao trong giới đầu tư. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tp.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cần Giờ cùng 4 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè được quy hoạch lên đô thị vệ tinh Tp.HCM, sau đó lên thành phố sau năm 2030.

Theo Quy hoạch, sau năm 2030, đô thị Cần Giờ là đô thị sinh thái biển. Ranh giới chính thức của các đô thị được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng Tp.HCM theo mô hình thành phố đa trung tâm. Các đô thị trực thuộc TP được định hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững theo.

Cần Giờ liên tục đón tin vui cận Tết, động thái mới của giới đầu tư địa ốc- Ảnh 1.

Trước đó, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang tham vấn ý kiến của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Tp.HCM nêu rõ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha dự kiến triển khai từ tháng 4/202 và hoàn thành vào năm 2030.

Khu đô thị lấn biển trên dự kiến có tổng mức đầu tư trên 282.800 tỷ đồng. Phần lấn biển cần khoảng 65.600 tỷ, hạ tầng kỹ thuật hơn 32.500 tỷ, còn lại là đầu tư công trình kiến trúc khoảng 184.700 tỷ đồng. Khi hình thành, dự án kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.

Bên cạnh dự án khu đô thị du lịch lấn biển, Tp.HCM còn có dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Đây là hai siêu dự án được UBND Tp.HCM đưa vào danh mục các dự án tiêu biểu cấp thành phố thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Trong đó, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ) được Tp.HCM đặt mục tiêu khởi công vào dịp 30/5/2025 nếu được Chính phủ duyệt. Đây sẽ là cảng lớn nhất Việt Nam so với hệ thống cảng hiện hữu. Theo tiến độ dự kiến, cảng Cần Giờ sẽ hoạt động từ 2027 với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên là 2,1 triệu Teu. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu Teu vào năm 2047.

Tp.HCM tham vọng đưa cảng Cần Giờ ngang tầm các trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế lớn nhất Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.

Là địa phương duy nhất tại Tp.HCM tiếp giáp biển, Cần Giờ được biết đến như “lá phổi xanh” của Tp.HCM với khu dự trữ sinh quyển thế giới. 30 năm tới, thành phố muốn đưa Cần Giờ từ một huyện đảo nghèo, trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng và trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm quốc tế.

Các thông tin tích cực liên tục xuất hiện khiến thị trường bất động sản Cần Giờ hưởng lợi. Nhà đầu tư đang ôm tài sản tại đây “khấp khởi” mừng vui chờ cơ hội trong tương lai.

Theo ông V - một nhà đầu tư hiện đang sở hữu tài sản đầu tư tại Cần Giờ và Hóc Môn, các thông tin tốt xuất hiện ở giai đoạn này đang khiến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường vững chắc hơn. Cũng giống như tất cả các Nghị định hay văn bản về Luật liên quan bất động sản, các thông tin về quy hoạch hay hạ tầng cần có thời gian để triển khai và “thẩm thấu”. Xét ở câu chuyện đầu tư thì nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn khi tham gia vào các thị trường này.

“Việc lên đô thị vệ tinh, sau đó lên Thành phố và các thông tin liên quan hạ tầng kết nối sẽ giúp kinh tế Cần Giờ đi lên, từ đó tác động đến thanh khoản thị trường bất động sản. Có thể mặt bằng giá chưa thay đổi tức thì nhưng sắp tới cùng với hành lang pháp lý ổn định (khoảng 2 năm) thì bức tranh bất động sản sẽ tốt lên. Khoảng chênh lệch giá ở ngưỡng vừa phải, khó đột phá như giai đoạn trước”, vị này nhấn mạnh.

Quan sát thị trường cho thấy, những thông tin về Luật mới có hiệu lực, siết phân lô bán nền ở các huyện ngoại ô Tp.HCM (Quyết định 83); bỏ điều kiện về quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 với thửa đất thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, dân cư hiện hữu (Quyết định 100) hay Luật Đất đai 2024 tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... đã phần nào tác động đến tâm lý thị trường Cần Giờ nói riêng, khu ven Tp.HCM nói chung.

Với các quy định này, thị trường đất nền trong dân sẽ trở nên sôi động, nhờ thu hút được sự chú ý nhiều hơn. Một số nhà đầu tư vốn lớn có thể tận dụng khe hở này, mua đất to (đất nông nghiệp, đất vườn) tách thửa ra bán.

Tựu lại, giữa bối cảnh thị trường còn chưa phục hồi hoàn toàn  thanh khoản, các thông tin tốt về hạ tầng, quy hoạch tăng thêm niềm tin của giới đầu tư khi “dò” dòng tiền đầu tư. Tuy nhiên, những kì vọng của nhà đầu tư về mức giá bất động sản bật tăng mạnh “ăn theo” quy hoạch sẽ khó diễn ra như giai đoạn trước. Với việc các Luật ra đời sẽ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Nhà đầu tư trong giai đoạn mới cũng cần xác định danh mục đầu tư trung - dài hạn, với kì vọng lợi nhuận vừa phải.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm