Nhằm tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế cho Quy định 262, ban hành năm 2014 cũng về nội dung này. Quy định 96 có nhiều điểm mới, với các quy định mạnh hơn cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy định mới góp phần khắc phục những kẽ hở nào trong công tác quản lý cán bộ hiện nay?
Phóng viên VOV trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Giang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Văn Giang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Làm trong sạch tổ chức đảng trước khi lấy phiếu tín nhiệm
PV : Đây không phải lần đầu tiên quy định lấy phiếu tín nhiệm được Đảng ban hành. Sự ra đời của Quy định 96 trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang : Sự ra đời của Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng trong tình hình hiện nay có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, nó thể hiện một bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về công tác cán bộ; sự phát triển những biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt khắc phục được tình trạng, dư luận đánh giá các quy định về lấy phiếu tín nhiệm trước đây còn có tính hình thức.
PV : Quy định 96 có nhiều điểm mới so với các quy định trước đây về lấy phiếu tín nhiệm. Điểm nổi bật trong quy định này đó là kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ kênh thông tin tham khảo được sử dụng để đánh giá cán bộ. Sự thay đổi này có ý nghĩa ra sao đối với công tác cán bộ hiện nay, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang : Đúng là điểm mới nổi bật trong Quy định 96 là kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ chỗ là kênh thông tin tham khảo trong công tác cán bộ, này trở thành cơ sở, căn cứ để đánh giá cán bộ, bố trí sử dụng cán bộ. Với sự thay đổi này, có thể nói đây là quy định có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, vì rõ ràng giờ đây chúng ta có thêm một tiêu chí rất mạnh để đánh giá cán bộ, và tạo nên một chế tài đối với những cán bộ có điểm yếu. Với điểm mới này sẽ góp phần khắc phục tính hình thức. Nó cũng sẽ có tác động nhiều mặt đến công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ.
PV : Với quyết tâm khắc phục những bất cập, hoàn thiện công tác cán bộ của Đảng, như vậy những cán bộ không đủ tín nhiệm sẽ được đưa ra khỏi bộ máy. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để tránh việc lợi dụng quy định để làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng như gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Bất kỳ một biện pháp nào cũng có tính hai mặt. Với việc lấy kết quả tín nhiệm để làm cơ sở đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ, trong đó có việc nếu tín nhiệm thấp thì đưa ngay ra khỏi bộ máy, như thế cũng sẽ có những mặt trái khiến bị lợi dụng.
Theo tôi, để ngăn chặn hiện tượng này, một mặt phải có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, khi xem xét việc xử lý cán bộ sau khi lấy phiếu tín nhiệm cũng phải trên cơ sở có sự xem xét, cân nhắc theo đúng nguyên tắc công tác cán bộ, chứ không phải tùy tiện. Thứ ba, phải chú trọng xử lý tốt vấn đề nội bộ. Các cơ quan, đơn vị trước khi lấy phiếu tín nhiệm mà có vấn đề mất đoàn kết thì phải chấn chỉnh tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị theo yêu cầu trong sạch, lành mạnh, trên cơ sở đó mới lấy phiếu tín nhiệm, khi đó chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để làm sai lệch, hay gây mất đoàn kết.
PV : Quy định 96 đã cụ thể và chặt chẽ hơn về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể là trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì phải từ chức hoặc bố trí ở vị trí thấp hơn; nếu quá 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị miễn nhiệm. Như vậy là quy định không còn chung chung như trước đây nữa. Vậy việc lấy phiếu tín nhiệm một mặt tạo ra những áp lực cho người được lấy phiếu, mặt khác cũng trở thành động lực giúp họ hoàn thiện bản thân mình hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang : Đúng như thế, rõ ràng với quy định rất cụ thể về xử lý cán bộ có tín nhiệm thấp sẽ gây ra một áp lực có thể nói là rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, những người được ủy quyền giữ các chức vụ quản lý. Với quy định cụ thể này, nếu cán bộ làm không tốt dẫn tới tín nhiệm thấp sẽ bị tổ chức xử lý, và như thế sẽ thiệt hại, ảnh hưởng đến lợi ích về mọi mặt, tinh thần, vật chất, uy tín chính trị của đội ngũ cán bộ. Rõ ràng đây là một áp lực, con số phiếu tín nhiệm sẽ thể hiện rất cụ thể.
Tuy nhiên, mặt phải của nó đối với cán bộ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một động lực, áp lực để cán bộ phải phấn đấu, phải giữ gìn bản chất, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện tốt các mối quan hệ để có kết quả đánh giá theo ý mình. Đây là mặt tiến bộ, là động lực để mỗi cán bộ thực hiện chủ trương tự soi, tự sửa mình.
Cần cung cấp thông tin đầy đủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ
PV : Theo ông, việc cung cấp thông tin cho người bỏ phiếu cần được coi trọng như thế nào để họ có được thông tin đầy đủ và là cơ sở để đánh giá khách quan, công tâm, chuẩn xác với người được lấy phiếu?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang : Để thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, việc cung cấp thông tin trước khi lấy phiếu tín nhiệm cho những người bỏ phiếu tín nhiệm là rất cần thiết. Đối với trường hợp cán bộ ở cấp thấp, gần gũi với người bỏ phiếu tín nhiệm, thì cũng dễ thôi, mọi người nhìn thấy nhau hàng ngày. Nhưng đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, người lấy phiếu tín nhiệm ít có điều kiện thường xuyên gặp gỡ, làm việc với các cán bộ đó thì việc cung cấp thông tin là rất quan trọng. Phải có thông tin đầy đủ, chính xác về phẩm chất, kết quả thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt thông tin về chuyện tiêu cực xảy ra tố cáo, khiếu nại liên quan đến cán bộ cần phải được làm rõ, phải được công khai trước khi lấy phiếu tín nhiệm, để đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm nắm được.
Tôi cho rằng, các quy định về công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một kênh, một biện pháp để nâng cao hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, gây áp lực đến cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm mà không công bố, chỉ rất ít người biết, thì không có ý nghĩa gì. Với Quy định 96 lần này rất rõ. Trong Đảng thì công bố trong Ban Chấp hành, Bộ Chính trị, đó là tập thể lớn nên áp lực cũng rất lớn. Còn trong Quốc hội công bố kết quả trên phương tiện thông tin đại chúng một cách chính thức, kịp thời, rõ ràng sẽ gây áp lực cho cán bộ. Không ai muốn mình ở trong diện tín nhiệm thấp, còn tín nhiệm thấp đến mức bị xử lý, phải từ chức càng không ai muốn. Tôi nghĩ biện pháp này sẽ tạo hiệu quả rất mạnh với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải biết giữ gìn, cố gắng trong thực thi nhiệm vụ cũng như trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, giáo dục đạo đức gia đình mình.
PV : Một trong những điểm đáng chú ý của Quy định 96 là việc lấy phiếu tín nhiệm còn xét sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con cái trong việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong thực tế vẫn có việc lợi dụng tầm ảnh hưởng của người thân có chức vụ để thực hiện các hành vi trục lợi thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang : Trên thực tế ở nước ta cũng như thế giới, hiện tượng lợi dụng ảnh hưởng của cán bộ lãnh đạo có chức vụ để người thân trong gia đình có hành vi trục lợi cũng đã xảy ra không ít. Nếu không quan tâm xử lý thì đây sẽ là một khe hở trong công tác cán bộ. Việc Đảng ta với Quy định 96 đưa việc xem xét sự gương mẫu của vợ, chồng, con, của cán bộ trong việc chấp hành chủ trương, đường lối chính sách để làm một tiêu chí đánh giá tín nhiệm của cán bộ là một bước tiến, thể hiện một sự chặt chẽ hơn trong các quy định, thể chế của công tác cán bộ. Với quy định này cho phép chúng ta kiểm soát tốt hơn quyền lực của cán bộ, không để lợi dụng quyền lực, chức vụ của cán bộ để trục lợi ở phạm vi người thân trong gia đình.
PV : Nhiều người lo ngại những yếu tố cảm tính trong việc lấy phiếu tín nhiệm dẫn tới việc bổ nhiệm và bố trí cán bộ chưa thực chất. Vậy cần đặt ra trách nhiệm của những người thực hiện bỏ lá phiếu của mình như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang : Để có thể ngăn ngừa, hạn chế việc cảm tính trong lấy phiếu tín nhiệm, rõ ràng phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm của những người tham gia bỏ phiếu. Công tác này là luôn luôn cần thiết. Thứ hai là phải làm tốt công tác cung cấp thông tin để những người bỏ phiếu tín nhiệm có căn cứ. Thứ ba, là phải thường xuyên củng cố, làm trong sạch tổ chức Đảng cũng như các cơ quan, đặc biệt phải xử lý trường hợp có dấu hiệu mất đoàn kết để đảm bảo khi lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ tham gia bỏ phiếu tín nhiệm phải ở trong một tổ chức lành mạnh, không bè phái, chia rẽ, lôi kéo, như vậy thì không thể có yếu tố cảm tính, chủ quan, làm sai lệch kết quả đánh giá cán bộ.
PV : Việc hoàn thiện các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng từ sau Đại hội XIII của Đảng, theo ông, đã đủ rộng và đủ lớn để có thể lấp được những "lỗ hổng" trong công tác cán bộ hiện nay hay không?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang : Từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến Đại hội XIII, việc xây dựng các quy định về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng đã được đẩy mạnh. Một loạt văn bản, quy định bộc lộ sơ hở đã được điều chỉnh, như trong bổ nhiệm cán bộ, quy hoạch cán bộ và lần này là trong lấy phiếu tín nhiệm. Đây là những cố gắng rất cụ thể, bước tiến của Đảng trong việc xây dựng các quy định, hoàn thiện thể chế cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Tuy nhiên, đủ rộng, đủ bao quát hay chưa có lẽ không bao giờ đủ, vì thế sẽ phải thường xuyên bổ sung các văn bản, quy định, những bất cập không còn phù hợp, có "lỗ hổng" thì chúng ta vẫn phải tiếp tục có điều chỉnh hoặc ban hành mới.
Tôi cho rằng, phải làm thường xuyên, không bao giờ có thể bằng lòng, vì thực tiễn luôn phát triển.
PV : Xin trân trọng cảm ơn ông./.