Bưu điện Thành phố nằm trong quần thể các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử nổi tiếng ở trung tâm TPHCM như nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, trụ sở UBND TPHCM, Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình), hồ Con Rùa...
Với thiết kế ấn tượng mang dấu ấn của phong cách kiến trúc phục hưng, gothic, Bưu điện trung tâm TPHCM có tuổi đời hơn 1 thế kỷ đứng vị trí thứ 2 trong danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới do Tạp chí kiến trúc Architectural Digest của Mỹ bình chọn.
Bưu điện thành phố là một trong những tòa nhà có kiến trúc đẹp, với tường màu vàng những ô cửa màu xanh nổi bật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trên các ô có đắp hình người đội vòng nguyệt quế, cùng chiếc đồng hồ lớn. Phía dưới đồng hồ vẫn còn lưu giữ năm khởi công xây dựng và khánh thành của tòa nhà (1886-1891).
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều y bác sĩ chi viện cho TPHCM cũng tranh thủ khoảng thời gian nghỉ để ra chụp ảnh lưu niệm. Trong số đó, nhiều người lần đầu đặt chân đến TPHCM.
Tạp chí kiến trúc Architectural Digest đánh giá, vẻ đẹp của một bưu điện thường nằm ở chức năng của nó: Là nơi kết nối mọi người, dù họ ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, thiết kế bưu điện thường không được quan tâm như các công trình công cộng khác, như cung điện hay tòa nhà quốc hội. Nhưng như thế không có nghĩa là không tồn tại những bưu điện có kiến trúc đẹp.
Ngày nay, khi sự phát triển như vũ bão của công nghệ thì những chiếc buồng gọi điện thoại trở thành chứng nhân của lịch sử, tồn tại với thời gian.
Phần tường trên buồng gọi điện ở tiền sảnh của toà nhà có hai bản đồ lịch sử. Tấm bên phải là bản đồ Sài Gòn và xung quanh năm 1892, bên trái là bản đồ đường dây điện của Việt Nam và Campuchia năm 1936.
Bưu điện thành phố là một trong những điểm đến độc đáo, luôn nằm trong chương trình city tour dành cho du khách nội địa và inbound.
Những con đường, góc phố, công trình kiến trúc cổ ở khu vực trung tâm TPHCM mang giá trị văn hoá đặc trưng của thành phố 300 năm tuổi.
Anh Lại Văn Mạnh (ngụ TP Thủ Đức) tranh thủ thưởng thức ly cà phê miễn phí trước cổng Bưu điện trung tâm chia sẻ: "Quá hay, quá vui, quá phấn khởi cho sự phục hồi sau đại dịch của TPHCM. Trước khi tham gia tour này, tôi tranh thủ đạp xe vòng quanh trung tâm, hít thở không khí. Theo hướng dẫn viên, tôi mới được ngắm nhìn TPHCM từ nhiều góc độ. Tôi được trải mình dưới hàng me xanh của Đường sách TPHCM. Tôi được khám phá những công trình kiến trúc có tuổi đời trên trăm năm".
"Ngoài các yếu tố văn hoá, lịch sử, kiến trúc đặc biệt của Bưu điện thành phố thì các sự kiện triển lãm, road show, văn nghệ, mỹ thuật…thường xuyên diễn ra trong không gian trong và trước Bưu điện cũng giúp tôn lên những hoạt động văn hoá nổi bật của thành phố", đại diện một đơn vị du lịch chia sẻ.
Những cặp đôi thường chọn khu vực trước Bưu điện TPHCM để lưu lại những bức ảnh cưới. Phía xa, một góc của nhà thờ Đức Bà.
Khoảng bình yên của Bưu điện Thành phố nhìn từ khu cà phê bệt đối diện.
Bưu điện trung tâm được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891, chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử. Năm 2019, tạp chí Insider của Mỹ cũng xếp hạng Bưu điện Thành phố trong danh sách 20 bưu điện đẹp nhất thế giới.
Với kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử cộng với vị trí đắc địa, Bưu điện Thành phố không đơn thuần là địa điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính, nơi đây còn đặc biệt thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và chụp ảnh check-in.
Ngoài Bưu điện trung tâm T PHCM, danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới của Architectural Digest còn có Bưu điện Trung tâm Algiers, Algeria (vị trí thứ nhất); bưu điện Palacio de Correos de México; Mexico (vị trí thứ 3); bưu điện Los Angeles, Mỹ (vị trí thứ 4); bưu điện Palacio de Comunicaciones, Tây Ban Nha (vị trí thứ 5); bưu điện thành phố New York,… |