Tại Hội thảo khoa học chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình về bảo tồn xương trong phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, vừa diễn ra ở TPHCM, Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Đình Mừng, Giám đốc Viện Chấn thương chỉnh hình, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh hoại tử chỏm xương đùi đang có xu hướng trẻ hóa.
Hoại tử chỏm xương đùi (còn gọi là hoại tử vô mạch chỏm xương đùi) là tình trạng tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương đùi, dẫn đến hoại tử xương và sụn.
Ban đầu, vùng chỏm xương thưa dần, hình thành những nang xương, lâu dần sẽ gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng, dẫn đến tàn phế.
Hoại tử chỏm xương đùi tự phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên (20-50 tuổi), nam thường gặp nhiều hơn nữ (chiếm 80% số ca). Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện thứ phát sau chấn thương và một số nguyên nhân khác và phụ thuộc vào tuổi mắc các bệnh lý nền.

Bác sĩ chia sẻ về xu hướng trẻ hóa của bệnh hoại tử chỏm xương (Ảnh: TC).
Theo bác sĩ Mừng, trước một bệnh nhân có đau háng và gối, không có tiền sử chấn thương, nhân viên y tế cần hỏi thật kỹ các yếu tố nguy cơ, như bệnh hệ thống, nghề nghiệp, việc lạm dụng rượu bia và corticoid.
Chuyên gia phân tích, thợ lặn và công nhân hầm mỏ là những nạn nhân dễ bị hoại tử xương vô khuẩn do dồn nén khí từ đường thở, khiến các bóng khí vào máu gây tắc dòng chảy của máu. Do đó, cần phải kiểm tra kỹ khớp vai, khớp gối của những đối tượng này, xem có đồng thời xảy ra hoại tử xương không.
Có 5 giai đoạn phát triển của hoại tử chỏm xương đùi. Giai đoạn 0, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, chưa thay đổi trên ảnh X-quang. Đến giai đoạn 1, bệnh nhân có đau nhưng hình ảnh chụp chiếu cũng khó nhận biết.
Ở 2 giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân mới bắt đầu thay đổi cơ xương và lún xương dưới sụn. Đến giai đoạn cuối cùng, bệnh nhân bị thoái hóa khớp.
Về hậu quả bệnh, khi chỏm xương đùi bị mòn, gồ ghề sẽ cản trở hoạt động bình thường của khớp háng, ngăn cản không cho người mắc làm những hoạt động yêu thích và giới hạn khả năng làm những công việc thường ngày của bệnh nhân.
Những phiền phức này có khuynh hướng nặng lên. Theo thời gian, ngay cả những việc đơn giản như đi bộ hay đang ngồi đứng dậy cũng gây đau.
Để phát hiện bệnh này, người dân cần đến khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được chỉ định chụp X-quang và MRI khớp háng.

Các chuyên gia thực nghiệm cách bảo tồn xương trong phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo (Ảnh: TC).
Khi đã xác định bệnh, tùy vào mức độ mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể, bệnh nhân sẽ được can thiệp để giảm tải lực lên khớp háng, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, khoan giảm áp, ghép xương, thay khớp bán phần hoặc toàn phần.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng được điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, thay đổi cường độ làm việc, dùng thuốc kết hợp vật lý trị liệu, tiêm những yếu tố sinh học để giảm đau, chậm tiến triển bệnh.
Để dự phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế tối đa rượu bia, bỏ hút thuốc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế dầu mỡ.
Bên cạnh đó, cần quản lý cân nặng, biết cách bảo vệ khớp khi làm việc và chơi thể thao, kiểm soát tốt những bệnh nội khoa như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường type 2…