Theo sắc lệnh, ông Hun Manet chịu trách nhiệm chuẩn bị nhân sự chính phủ khóa mới để trình quốc hội bỏ phiếu trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 22-8. Để chính thức trở thành tân thủ tướng Campuchia, ông Hun Manet và nội các phải giành đủ phiếu tín nhiệm.
Sắc lệnh hoàng gia được ban hành 2 ngày sau khi Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia chính thức công bố Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành chiến thắng áp đảo, với 120/125 ghế Quốc hội. Trước đó, hôm 26-7, ông Hun Sen tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng và chuyển giao chức thủ tướng cho con trai trưởng Hun Manet.
Ông Hun Manet sinh ngày 20-10-1977 tại làng Koh Thmar, huyện Memut, tỉnh Kampong Cham (nay là tỉnh Thbong Khmum). Ông kết hôn với bà Pich Chanmony và có hai con gái, một con trai.
Theo trang Khmer Times, ông là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point (Mỹ) năm 1999, sau đó ông lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Trường ĐH New York năm 2002 và bằng tiến sĩ kinh tế tại Trường ĐH Bristol (Anh) năm 2008.
Sau khi về nước phục vụ, ông thăng tiến nhanh chóng trong lực lượng vũ trang Campuchia, bắt đầu với Lực lượng đặc nhiệm Chống khủng bố quốc gia của Bộ Quốc phòng. Ông lần lượt được bổ nhiệm làm Phó Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Ông Hun Manet chụp ảnh cùng người dân tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Phnom Penh - Campuchia hôm 23-7 Ảnh: REUTERS
Ông Hun Manet thu hút sự chú ý trong nước và quốc tế khi đảm nhận vai trò giám sát các cuộc đàm phán trong cuộc xung đột biên giới Campuchia - Thái Lan năm 2008-2011.
Ngoài nghĩa vụ quân sự, ông còn tích cực tham gia các công tác xã hội từ thiện như hỗ trợ học bổng cho hàng ngàn sinh viên đại học thông qua Hiệp hội Học bổng Samdech Techo, tổ chức huy động hàng ngàn chuyên gia y tế, sinh viên y khoa… chăm sóc sức khỏe miễn phí ở các vùng nông thôn thông qua Hiệp hội Bác sĩ tình nguyện thanh niên Samdech Techo…
Trong thông điệp tranh cử hồi tháng 7, ông Hun Manet nhấn mạnh 3 mục tiêu chính của CPP trong 44 năm qua sẽ được tiếp nối. "Ba mục tiêu đó là đời sống, cái bụng và thể diện" - ông nói.
"Đời sống", theo ông Hun Manet, là phúc lợi của người dân; còn "cái bụng" chính là các tiêu chuẩn sống cần được cải thiện thông qua các hỗ trợ về xã hội, giáo dục, y tế… của chính phủ. Cuối cùng, "thể diện" là các quyền và tự do mà người dân được hưởng, là sự phát triển kinh tế quốc gia và vị thế của Campuchia trên trường quốc tế.
Về chính sách đối ngoại, giới quan sát cho rằng ông Hun Manet sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích cốt lõi của quốc gia. Tầm nhìn của Campuchia với vai trò là một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu sẽ đạt được động lực mới.
Hồi tháng 4, ông Hun Manet từng tuyên bố Campuchia sẽ duy trì chính sách hữu nghị với tất cả quốc gia, đồng thời đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu. Ông khẳng định Campuchia vẫn giữ thái độ trung lập và theo đường lối trung dung.
Tờ Phnom Penh Post cho biết trong thông điệp từ chức vào ngày 26-7, ông Hun Sen thông báo sau khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng, ông sẽ được Quốc vương Campuchia bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Campuchia. Ông cũng thay thế vị trí của Chủ tịch Thượng viện sắp về hưu Say Chhum sau cuộc bầu cử thượng viện vào ngày 25-2-2024.