Tiến sĩ Andrea Bonior, nhà tâm lý học lâm sàng, ĐH Georgetown, Mỹ cho biết, cảm giác căng thẳng của những người nhận quà biếu sinh ra khi họ thấy không xứng với món quà.
Theo bà, những người này cũng có thể gặp khó khăn trong việc nhận được lời khen hoặc sự chú ý. Họ cảm thấy không thoải mái khi ai đó cố gắng làm điều gì tốt đẹp cho mình và vật lộn với ý thức về giá trị bản thân.
Có người lại thấy tội lỗi vì không nghĩ mình đã tặng một món quà tốt hoặc đắt tiền như họ nhận được, hay sẽ không có gì để đáp lại.
"Con người thường đề cao sự 'có đi có lại'. Chúng ta muốn đáp lại bằng hiện vật dựa trên những gì chúng ta nhận được. Những món quà có thể kích hoạt nhiều cảm xúc và ở một số tình huống, ta thấy xấu hổ về vị thế của mình", giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Laurie Santos, Đại học Yale (Mỹ), nói.
Một nghiên cứu của đại học Baylor được công bố trên tạp chí Nghiên cứu khoa học xã hội năm 2013 đã khám phá ra cách trừng phạt người khác thông qua việc tặng quà. "Người tặng hào phóng khiến người nhận thấy mình xấu xa, tồi tệ, ghen tị hoặc thấy mình chưa xứng đáng", tiến sĩ Kyle Irwin, đứng đầu nghiên cứu nhận định.
Quà tặng cũng có thể khiến một số người nghĩ rằng họ mắc nợ người khác. Bạn cảm thấy có sự ràng buộc, có một kỳ vọng về sự gần gũi hoặc thân mật.
"Nếu lớn lên trong một hoàn cảnh mà bạn không được quan tâm hay yêu mến nhiều, bạn cảm thấy thật kỳ lạ khi đột nhiên bạn bè dành một món quà cho mình. Bạn thấy cần trả nợ theo một cách nào đó", Bonior nói.
Dù lý do đằng sau cảm giác tội lỗi về món quà là gì, bạn có thể biến những cảm xúc đó thành điều gì đó tích cực với những lời khuyên này từ các chuyên gia.
Chuẩn bị tâm lý
Nếu thấy tội lỗi khi nhận quà, hãy hỏi tại sao và cố gắng điều hòa cảm xúc này. "Rất nhiều người giỏi quan tâm, chăm sóc người khác nhưng lại nghĩ mình không xứng được chăm sóc", Bonior nói.
Hãy nghĩ về niềm vui khi tặng quà cho ai đó, bạn sẽ hiểu người tặng cũng muốn thế. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục nghĩ rằng mình không xứng đáng, Bonior khuyên bạn nên tìm hiểu lý do tại sao. "Hãy nghĩ lại thời thơ ấu của bạn, nghĩ lại những thông điệp mà bạn đang nói với chính mình, nghĩ lại khuôn mẫu đã phát triển xung quanh lòng tự trọng của bạn", Bonior gợi ý.
Thể hiện mình trân trọng món quà
Hãy cố thoát khỏi cảm giác tội lỗi và để người nhận quà thấy bạn trân trọng tình cảm họ dành cho mình. "Khi bạn dùng món quà, hãy cho người tặng biết và tỏ lòng biết ơn", Santos nói.
Cô kể, mình thể hiện lòng biết ơn cha và mẹ kế khi tặng chiếc lò nướng từ vài năm trước bằng cách chụp bức ảnh đang sử dụng nó và gửi lời cảm ơn.
Lòng trắc ẩn
"Không phải lúc nào chúng ta cũng trở thành những người tặng quà hoàn hảo. Bạn đừng quá căng thẳng nếu món quà không được như mong muốn trong một số trường hợp nhất định", Santos nói.
Điều quan trọng cần nhớ là mọi người đang tặng quà vì họ thực sự quan tâm đến bạn.
Quay lại vấn đề cơ bản
Tặng quà là để kết nối, mang lại niềm vui và có khả năng nuôi dưỡng mối quan hệ. "Nó càng phô trương thì lại càng ít ý nghĩa. Không phải các mối quan hệ đều cần cân bằng hoàn hảo mọi lúc. Hãy hiểu món quà ngày lễ chỉ là phần nhỏ trong tình bạn, không nhất thiết đại diện cho cho tình bạn", Bonior nói.
Đừng suy nghĩ quá nhiều
Chủ nghĩa thương mại của các ngày lễ có thể buộc chúng ta phải chú trọng nhiều hơn đến của cải vật chất hoặc cố gắng mua món quà "hoàn hảo".
Các chuyên gia cho biết, đây là thời điểm của lòng tốt, lòng trắc ẩn và lòng biết ơn. Vì vậ y, hãy đưa ra quyết định tỉnh táo để tập trung vào những điều tốt đẹp và tận hưởng chúng.
"Điều quan trọng là hãy nhớ rằng mặc dù chúng ta không thể kiểm soát những món quà mình nhận được, nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta phản ứng", Santos nói.
(Theo CNN)