Ngày càng nhiều người, kể cả các bạn trẻ, doanh nhân, nhà đầu tư… quan tâm đến tự do tài chính và coi đó là mục tiêu cho sự nghiệp của mình. Nhưng để đạt được mục tiêu này, có người phải trải qua cả một sự nghiệp dài, có người lại tìm ra cách thức hiệu quả của riêng mình. Vậy, làm sao để đạt tự do tài chính sớm nhất?
Anh Trần Minh Song, đang là giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chia sẻ, trước khi tìm cách để đạt được tự do tài chính, chúng ta nên biết tự do tài chính là gì.
Theo anh Song, tự do tài chính có nghĩa là tích lũy đủ tiền để có một cuộc sống thoải mái cho bản thân và cả gia đình về lâu dài mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai hay việc phải kiếm tiền đáp ứng chi tiêu hàng tháng. Ngoài ra, còn có một lượng tiền để tiết kiệm và để đầu tư tài chính.
Doanh nhân này cho rằng, nguồn tài chính ấy cũng giúp chúng ta có thể nghỉ hưu sớm hoặc theo đuổi đam mê của mình mà không phải chịu sự chi phối của đồng tiền.
“Một cách khác để định nghĩa tự do tài chính là như nhiều doanh nhân thường nói, tự do tài chính là khi đồng tiền làm việc cho chúng ta chứ không phải ngược lại”, anh Song nói.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, Nguyễn Thúy Nga – Một cán bộ ngành văn hóa cho rằng, để có được sự tự do tài chính, trước hết chúng ta phải có thu nhập ổn định, dù không quá cao, nhưng vẫn phải có tiết kiệm hàng tháng.
Năm nay 31 tuổi, Nga hiện đã có nhà riêng ở Hà Nội, tài khoản có hơn 200 triệu đồng, dù con số không nhiều nhưng như vậy cũng là đủ để xem là tự do tài chính.
Với một cán bộ nhà nước, mức lương không được bao nhiêu, sau khi ra trường Nga được nhận vào làm việc tại một cơ quan của Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch.
Do thu nhập nhà nước thấp nên Nga đã tìm kiếm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập, ban đầu Nga nhận viết bài cộng tác cho một số cơ quan báo chí, mỗi tháng tích cực viết cũng có thêm khoảng 7 đến 8 triệu đồng tiền nhuận bút.
Năm 2016, được sự hỗ trợ từ gia đình, và bằng một ít tích góp được, Nga đã mua được một căn hộ 57 m2, của một dự án nhà ở tại quận Long Biên. Mua được nhà, Nga tích cực lao động kiếm thêm thu nhập.
Hiện mức lương nhà nước cũng chỉ đủ duy trì cuộc sống cá nhân, còn một số công việc khác như nhận viết bài cho các cơ quan báo chí vẫn được duy trì. Gần đây Nga nhận viết content cho một công ty chuyên về lĩnh vực y tế, mỗi tháng cho Nga thêm thu nhập thụ động khoảng 15 triệu. Như vậy, hiện tổng mức thu nhập của Nga mỗi tháng cũng được khoảng 25 đến 30 triệu đồng mỗi tháng.
Do chưa lập gia đình nên với số tiền này Nga vẫn luôn đảm bảo được cuộc sống và mỗi tháng góp được từ 15 đến 20 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm.
Chia sẻ về vấn đề này Nga cho biết: “Với tôi như vậy là ổn định, là sự tự do về tài chính, không phụ thuộc vào ai cả, mức sống của tôi như vậy là đủ đầy rồi, nhưng vẫn phải tích cực lao động để tương lai sau này không còn vất vả”.
Cùng quan điểm trên, Ngọc Ánh (sinh năm 1994) cho rằng, khi đã đặt ra mục tiêu và có kế hoạch cụ thể, thì phải tuân thủ kế hoạch, trước tiên là để đảm bảo tất cả các hóa đơn được thanh toán, các nhu cầu được đáp ứng, các khoản nợ được trả, đồng thời các khoản tiết kiệm và đầu tư đang đi đúng hướng. Giữ vững ý chí thay vì để bản thân gục ngã trước những chi tiêu xa hoa không cần thiết.
Theo Ngọc Ánh, với những khoản chi tiêu bất khả kháng hoặc chi tiêu để tăng cường kiến thức và năng lực cho bản thân (mua sách, mua những khóa học,…), chúng ta không cần quá tiết kiệm, vì đây cũng là một hình thức đầu tư cho bản thân.
“Vậy nên, phải tránh xa những thẻ ghi nợ hay các khoản vay lãi suất cao, đây là mối nguy cho tương lai nếu như chúng ta không hiểu rõ nó”, Ngọc Ánh nói.
Giới chuyên gia tài chính cho rằng, tạo ra thu nhập đã khó, nhưng việc chi tiêu cá nhân thì còn khó hơn nữa. Vậy nên, nếu biết cách quản lý tài chính cá nhân, bạn sẽ không những chủ động trong cuộc sống mà còn có thể tự tạo ra nhiều cơ hội mới cho mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng tài chính sao cho hợp lý cũng đang là điều mà khá nhiều người mắc phải trong cuộc sống hiện đại.
Điều tiên quyết để đạt được tự do tài chính là đặt ra mục tiêu cụ thể cho quỹ tài chính cá nhân và tìm mọi cách đạt được nó. Sau khi kiểm soát được thu nhập và tài sản của bạn, cũng như tính được số tiền mà bạn cần để chi trả cho cuộc sống, hãy đặt ra mục tiêu cho mình, bao gồm thời gian hoàn thành mục tiêu và số tiền cần thiết để hoàn thành mục tiêu đó. Mục tiêu càng cụ thể, khả năng biến chúng thành hiện thực càng rõ ràng.
Tiếp theo, hãy thiết lập các cột mốc tài chính trong sự nghiệp, có thể tương đương với các cột mốc để thu được một khoản tiền tiết kiệm hay mua được tài sản nào đó. Sau mỗi cột mốc đạt được, bạn nên nhìn lại và cải thiện.