Nếu chỉ nhìn qua ngọn đèo này, không ai nghĩ đây chính là nơi có thể định hình tương lai ngành công nghiệp năng lượng sạch của nước Mỹ. Sau khi các mẫu đá được nghiền thành bột, chiết tách và trộn lẫn cùng hóa chất, chúng sẽ trở thành thứ kim loại vô cùng quý giá, được mệnh danh là vàng trắng của nhân loại: lithium. Được biết, đây là thành phần quan trọng được sử dụng cho xe điện, bộ lưu trữ năng lượng mặt trời và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Đầu năm 2021, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ lộ thiên trị giá 1 tỷ USD tại Đèo Thacker, Nevada, trong một khu đất thuộc sở hữu của nhà nước rộng hơn 2.000 ha. Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi lên nắm quyền, cũng nỗ lực hoàn thành kế hoạch còn đang dang dở.
Mỏ lộ thiên, do công ty đa quốc gia Lithium Americas khai thác, có thể cung cấp một lượng lithium đủ để đáp ứng sản lượng toàn cầu vào năm 2020. Nỗ lực sản xuất pin xe điện của Mỹ sẽ giúp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch và căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine.
“Chúng ta có thể có một Thung lũng Lithium ở đây. Tốt nhất là chúng ta nên bắt tay vào làm", Dev Chidambaram, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Nevada, Reno, người đầu tiên giảng dạy giáo trình pin và lưu trữ năng lượng của đất nước cho biết.
Tuy nhiên, dự án này đã vấp phải phản đối gay gắt của người dân địa phương. Đa số các chủ trang trại tại đây đều cho rằng việc khai thác mỏ khoáng sản sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước ngầm nuôi gia súc, đồng thời ảnh hưởng đến di sản, đời sống và đất đai tổ tiên họ để lại.
Câu chuyện về chủ trang trại Bartell là một ví dụ. Lần đầu tiên nghe về mỏ lithium, ông không nghĩ ngợi nhiều. Mãi sau này, những tác động tiêu cực đến môi trường mới được người đàn ông này cân nhắc.
Bartell lo sợ việc khai thác sẽ tác động đến hệ sinh thái của những động vật sống. Những chiếc xe tải chở đầy lưu huỳnh cũng sẽ đi qua một ngôi trường tiểu học nơi vợ anh, Brenda, đang dạy học. Chúng, sau khi được đốt cháy và trộn lẫn với nước, sẽ tạo ra 5.800 tấn axit sunfuric độc hại mỗi ngày. 354 triệu mét khối chất thải mỏ cũng nằm dọc con đường đất mà ông Bartell thường xuyên đi qua để kiểm tra đàn gia súc ăn cỏ trên núi.
“Đó quả là một cơn ác mộng về môi trường”, ông Bartell phàn nàn, đồng thời bày tỏ nỗi lo lắng cho kế sinh nhai của mình.
Được biết 2 trang trại chăn nuôi lân cận đã cho phép Lithium Americas quyền sử dụng nguồn nước. Bartell nói điều này sẽ đe dọa cánh đồng lúa mạch đen cao đến ngang vai của ông.
Đến tháng 2/2021, Bartell đệ đơn kiện, cáo buộc việc khai thác lithium sẽ gây ra những "tác hại không thể khắc phục được" đối với cá, động vật hoang dã và nguồn nước, bao gồm cả môi trường sống của cá hồi Lahontan.
Đáp lại, các luật sư đại diện bên khai thác tuyên bố đã tiến hành dàn xếp thích hợp với người dân địa phương, đồng thời "xem xét kỹ lưỡng các tác động môi trường" và "đưa ra lời giải thích hợp lý cho các quyết định của mình." Họ còn thúc giục Thẩm phán Miranda Du nhanh chóng bác bỏ vụ kiện.
“Tôi đã liên hệ với Cục quản lý đất đai, nhưng họ chỉ nói rằng ''Được rồi, chờ nhé'', bà Redstar, đại diện bộ lạc Fort McDermitt chia sẻ. Mục tiêu của bà là bảo vệ đất và nước sau bê bối rò rỉ một mỏ khai thác thủy ngân. Nhiều người cho rằng tỷ lệ ung thư cao tại đây là một trong những hệ lụy còn sót lại.
Thế nhưng, bà Redstar cũng cân nhắc lợi ích tiềm năng mà dự án này mang lại.
"Chúng ta sẽ giữ nguyên vùng đất hoang vắng này và chống lại các công ty khai thác ư?" Redstar cho biết. "Hay chúng ta nên bắt tay với họ, để con em mình được có thể tiếp cận nhiều lợi ích trong tương lai?".
Lithium Americas hứa hẹn cung cấp 300 công việc lâu dài, với mức lương trung bình là 62.000 USD, tức gần gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của Quận Humboldt. Hợp tác với Đại học Great Basin, công ty này còn tổ chức các buổi hội thảo đào tạo việc làm cho người dân địa phương và cam kết đầu tư 5 triệu USD cho một trường mầm non và bảo tàng văn hóa mới. Mỏ khai thác cũng có tiềm năng trở thành động lực kinh tế cho cộng đồng.
Siêu núi lửa phụ trào khoảng 16 triệu năm về trước đã để lại cho Nevada một dải dài của những ngọn núi hùng vĩ, dưới chân là những thung lũng khô cằn. Vùng đất này chứa đầy những "kho báu" - vàng, bạc, thủy ngân, uranium - trong nhiều thế kỷ qua đã thu hút những nhà khai khoáng muốn tìm kiếm sự giàu có. Đây cũng chính là môi trường sống thích hợp cho gà gô, chim ăn thịt, đại bàng vàng và nai sừng…
Những thập kỷ sau đó, lĩnh vực khai thác bùng nổ, dù lithium vẫn là thứ kim loại khó nắm bắt. Chúng khá nhẹ và luôn là tâm điểm của sự săn đón, nhất là khi pin lithium-ion bắt đầu thống trị các thiết bị điện tử tiêu dùng vào những năm 1990. Tuy nhiên, khi đó, chỉ có độc một mỏ lithium của Mỹ đang hoạt động: Đỉnh Silver của Albemarle, tây nam Nevada.
Những năm gần đây, công ty tiền thân của Lithium Americas đã lên kế hoạch khai thác xung quanh Đèo Thacker. Động thái trên được đưa ra, trong bối cảnh nước Mỹ đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu sản xuất xe điện trong nước.
Theo Bloomberg, giá lithium toàn cầu tăng phi mã hơn 400% vào năm 2021. Tháng trước, California tuyên bố cấm tiêu thụ các loại xe chạy bằng khí đốt vào năm 2035. Honda cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy pin lithium đầu tiên tại Mỹ.
“Dự án của chúng tôi phải thực hiện ngay bây giờ. Chúng tôi không có nhiều thời gian", James Calaway, Chủ tịch Ioneer, một công ty Australia đang phát triển mỏ khai thác phía tây nam Nevada, cho biết.
Một số người dân địa phương đã tình nguyện tham gia vào các dự án khai thác, trong có Maria Anderson, một thành viên của Bộ lạc Te-Moak của người da đỏ Tây Shoshone. Cô được chiêu mộ vào tháng 11/2019 với vai trò quản lý quan hệ cộng đồng cho Lithium Nevada, công ty con giám sát các hoạt động tại bang.
“Thật là khủng khiếp khi một số công ty khai thác không làm những gì lẽ ra họ phải làm trong quá khứ. Bây giờ, chúng tôi đang làm thay họ”, Anderson nói.
Vào tháng 7, Lithium Americas thông báo về một phòng thí nghiệm rộng hơn 200m2 ở Reno, nơi trưng bày một số mẫu vật khai thác để thu hút các đối tác kinh doanh tiềm năng. Toàn bộ mẫu vật sẽ được đựng trong các lọ thủy tinh có nhãn dán.
Những nỗ lực này đang nhận được nhiều sự khuyến khích, sau khi Đạo luật thuế và khí hậu trị giá 369 tỷ USD được đưa ra vào tháng 8, bao gồm các khoản tín dụng thuế cho xe điện. Vào tháng 5, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cũng cam kết sẽ hỗ trợ việc hợp lý hóa việc cấp phép khai thác mỏ. Văn phòng các chương trình tín dụng của Bộ Năng lượng cũng đang cân nhắc một khoản vay cho Lithium Americas.
“Bạn sẽ thấy chúng tôi có rất nhiều khoản đầu tư trong năm tới để đạt được mục đích”, ông Jonathan Evans, Giám đốc điều hành Lithium Americas cho biết.
Theo: Bloomberg
Chuyện về một startup hàng không vũ trụ từng khiến Elon Musk kiêng dè