Người này cũng luôn nhắn tin, gọi điện vào buổi trưa khi không thấy nhân viên trả lời trong vòng một tiếng.
Làm việc với một cấp trên thích thể hiện nguyện vọng qua việc gõ phím và coi tốc độ phản hồi đại diện cho năng suất công việc có thể gây khó chịu.
"Có một sức mạnh đang thể hiện ở đây. Nhưng đôi khi có thể họ không suy nghĩ gì khi làm vậy", Khe Hy, người sáng lập và giám đốc điều hành của RadReads, một công ty giáo dục trực tuyến ở Mỹ nói.
Khi ông Hy đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khoảng 1/3 tin nhắn khẩn cấp của sếp có nội dung: "Cậu gửi cho tôi đường link đăng nhập vào trận đá bóng ảo được không?", "Tên nhà hàng ở New York là gì nhỉ?"...
Theo Hy, có cách để bạn "huấn luyện" cấp trên trong việc gửi tin nhắn và chờ đợi phản hồi.
Đầu tiên, hãy tìm ra sếp thực sự muốn gì. Họ có mong đợi, thậm chí đòi bạn trả lời ngay lập tức khi gửi lúc nửa đêm không?
Hy khuyên nên phân loại các tin nhắn nhận được, từ email giao nhiệm vụ đến những vấn đề lớn, hỏi sếp về thời gian mong muốn được phản hồi.
Nếu câu trả lời là "càng sớm càng tốt", hãy luôn thử bộ lọc email. Ví dụ Hy xếp thư của hai sếp vào ưu tiên, giúp anh luôn dễ dàng nhận ra khi có yêu cầu quan trọng.
Nếu không muốn dán mắt vào email, bạn có thể sử dụng một phần mềm tự động hóa quy trình như Zapier. Ứng dụng này có thể cảnh báo bạn, thêm vào danh sách việc bạn cần làm, tự động luôn trả lời email, tuy nhiên nó mất phí.
Nếu sếp hay nhắn tin, bạn có thể cài đặt một nhạc chuông riêng cho họ để không bỏ lỡ.
Lấy lại quyền kiểm soát
Có thể bạn là một phần của vấn đề. Nhiều người trong chúng ta quá khao khát thể hiện mình làm việc chăm chỉ và tận tụy nên vội vàng đáp ứng bất cứ khi nào cấp trên gọi. Nhưng một bài báo năm 2021 cho thấy người nhận đã đánh giá quá cao tốc độ mà người gửi mong đợi sẽ trả lời email sau giờ làm việc.
"Những người khác không đánh giá chúng ta gay gắt như chúng ta nghĩ. Nghiên cứu cũng cho thấy những người nhận email ngoài giờ làm việc cảm thấy căng thẳng hơn những gì người gửi mong đợi", giáo sư Laura M. Giurge, Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London, đồng tác giả nghiên cứu nói.
Nhà tư vấn lãnh đạo Nancy Halpern, Mỹ cho biết nếu bạn luôn trả lời tin nhắn của sếp trong bữa tối, bạn đang củng cố rằng suy nghĩ của cấp trên rằng có thể nhắn tin bất kỳ lúc nào. "Hãy kiểm soát cuộc sống của chính bạn", cô nói.
Hãy liếc qua tin nhắn đó, tiếp tục ăn. Nếu quá khẩn cấp, Halpern khuyên nên gọi điện và đề nghị: "Tôi đã xem tin nhắn của anh. Tôi đang ăn tối, có thể gọi lại sau một giờ nữa không?".
Làm như vậy sẽ rèn cho người quản lý rằng bạn đang có mặt, bình tĩnh và ghi nhận đầy đủ yêu cầu, đồng thời vẫn giữ được một số quyền lực của mình, cũng như nhắc nhở rằng bạn có một cuộc sống bên ngoài công việc.
Bryce Anderson, đồng sở hữu của một công ty sản xuất video ở Chicago, từng thần tượng sếp cũ - chủ một startup, vì thường xuyên gửi email cho mình vào lúc nửa đêm. Việc nhà lãnh đạo thức khuya dậy sớm làm việc khiến anh cảm thấy rất tuyệt.
Vì thế, khi nhận được email của sếp lúc 2h sáng, anh sẽ trả lời ngay lập tức. Sau khoảng một năm, một đồng nghiệp tiết lộ người sáng lập này từng thú nhận đã viết email vào ban ngày và lên lịch gửi vào ban đêm tạo cảm giác hết lòng vì công việc. Tiết lộ vạch trần ông chủ và Anderson thề sẽ không làm việc như vậy nữa.
Hiện cũng là một ông chủ, Anderson thường viết email buổi tối khi con đi ngủ và đặt lịch để gửi cho nhân viên vào ban ngày. "Chúng tôi là một công ty làm việc lúc 9h và kết thúc lúc 5h giờ chiều", anh nói.
(Theo WSJ)