"Hai yếu tố đối lập này cần song hành với nhau", ông nói. "Khi ranh giới với gia đình mờ nhạt, bạn sẽ dễ bị phụ thuộc, mất tự tin và khó phát triển".
Mối quan hệ trong gia đình lành mạnh luôn đề cao sự tự chủ và phát triển của các thành viên.
Losoff cũng lưu ý sự can thiệp quá sâu của gia đình lên cá nhân có thể dẫn đến cảm xúc tiêu cực và khiến họ khó xây dựng mối quan hệ bên ngoài. Qua đó, các chuyên gia tâm lý gợi ý những cách đặt ranh giới cần thiết với gia đình.
Xác định mục tiêu và kỳ vọng bản thân
Chuyên gia trị liệu tâm lý Briana Parulo, công ty tư vấn On Par Therapy (Mỹ), cho biết các thành viên trong gia đình sẽ sốc nếu bạn đột ngột giữ khoảng cách với họ. Do đó, bạn hãy thử làm nhẹ tiến trình này bằng cách xem xét mục tiêu và kỳ vọng của mình trước.
"Bạn cần hiểu rõ giới hạn mình muốn đặt ra là gì?", Parulo nói. "Ranh giới thiết lập không phải là hình phạt mà để chính bạn mạnh mẽ hơn".
Chuyên gia cho rằng bạn không nên mong đợi gia đình sẽ chấp nhận quan điểm của bạn ngay lập tức mà kiên nhẫn với từng sự thay đổi nhỏ.
Giải thích lý do
Parulo phân tích việc làm rõ động cơ vì sao bạn muốn đặt ranh giới với gia đình là bước quan trọng.
Ranh giới lành mạnh được thiết lập là khi bạn tạo ra sự thoải mái cho mọi người, thay vì giành quyền kiểm soát mối quan hệ theo ý bạn. Nói cách khác, bạn cần phân tích ranh giới mình muốn đặt ra có đang phù hợp với dự định bản thân?
Chuẩn bị cho những cảm xúc không thoải mái
Sự chuẩn bị trên sẽ giúp bạn giữ vững quan điểm của mình khi gặp phản đối. Ví dụ, bạn sẽ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ bởi giữ ranh giới trong mối quan hệ gia đình.
Chuyên gia lưu ý các loại cảm xúc trên là điều tự nhiên. Chúng ra tín hiệu để bạn biết rằng những tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình bảo vệ quan điểm của mình.
Trình bày cơ hội để thay đổi tích cực
Parulo nói trong những cuộc trò chuyện với gia đình, bạn hãy nhấn mạnh đặt ranh giới cần thiết sẽ mở ra cơ hội để bạn phát triển và trưởng thành.
Từ chối nhẹ nhàng nhưng rõ ràng
Việc bạn từ chối đề nghị của thành viên trong gia đình có thể sẽ rất khó khăn.
Chuyên gia tâm lý Robyne Hanley, tác giả sách Stress Wisely: How To Be Well In an Unwell World gợi ý những cách nói như: "Cảm ơn bố/mẹ đã nghĩ đến con nhưng con chưa cần". Điều này dễ nghe hơn việc bạn nói "không", nhưng vẫn truyền thông điệp từ chối dứt khoát.
Viết thư
Đây là cách giao tiếp rõ ràng nhưng cho bạn cơ hội để chỉnh sửa. "Nếu khó nói trực tiếp, hãy diễn đạt súc tích qua một lá thư tay", Rosado khuyên. "Trình bày các cảm xúc cá nhân và bày tỏ bạn mong muốn nhận được sự tôn trọng".
Trong quá trình viết, bạn cũng có cơ hội ghi lại suy nghĩ của mình và những ranh giới lành mạnh đang thiếu trong mối quan hệ gia đình.
(Theo Bestlife)