Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2030.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo, góp phần bảo vệ sức khoẻ người dân và cộng đồng.
Một chú chó thả rông bị bắt trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) năm 2018. Ảnh: Trường Phong
Cụ thể, kế hoạch đặt mục tiêu quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2030. Duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin dại trên 90% tổng đàn chó, mèo nuôi hàng năm trong cả giai đoạn 2022 - 2030.
Kế hoạch cũng nêu mục tiêu 100% các quận, huyện, thị xã giám sát được chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại trong giai đoạn 2022 - 2030. Hoàn thành xây dựng vùng an toàn bệnh dại đối với các quận chưa được công nhận hiện nay trước năm 2025; duy trì tốt các điều kiện an toàn dịch bệnh đối với 100% các vùng an toàn dịch bệnh dại đã được công nhận trong giai đoạn 2017 - 2021…
Quy định của thành phố cũng nêu việc bắt buộc tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo, thời gian thực hiện định kỳ vào tháng 3 - 4 hàng năm và tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho chó, mèo mới phát sinh hoặc đã hết miễn dịch bảo hộ.
Thành phố đặt ra một số nội dung cụ thể về quản lý chó, mèo nuôi. Cụ thể, đối với chủ nuôi chó, mèo, phải thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh;
Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm, xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú ý, môi trường; chấp hành nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; chấp hành việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ…) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin dại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Kế hoạch cũng nêu, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu huỷ chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
UBND xã, phường, thị trấn cần lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thống kê chính xác và báo cáo số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xóm trên địa bàn cấp xã đảm bảo quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trên địa bàn cấp xã.
Hàng năm, trước đợt tiêm phòng tổ chức rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó, mèo nuôi và định kỳ tối thiểu 2 lần/năm, cập nhật, báo cáo số liệu các hộ nuôi chó, mèo và tổng đàn chó, mèo tại địa phương. Đồng thời cập nhật dữ liệu đàn chó, mèo tại địa phương trên hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo theo quy định, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
"Các phường, xã, thị trấn quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập đội bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; bố trí khu vực nhốt giữ và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vắc xin dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận", kế hoạch nêu.
Thành phố yêu cầu xã, phường, thị trấn phối hợp cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông, động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dại cho các thành viên của đội bắt chó thả rông; phối hợp với cơ quan y tế tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho các thành viên đội bắt chó thả rông theo quy định của ngành Y tế.