Chiều 7-6, Quốc hội (QH) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng thuộc các lĩnh vực ngành. 110 đại biểu (ĐB) QH đăng ký và những vấn đề về sai phạm đăng kiểm, đào tạo lái xe, hạ tầng giao thông đã được làm nóng tại nghị trường.
Quá tải
ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng hiện 2 tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương và TP HCM - Long Thành thường xuyên quá tải, tắc nghẽn, nhất là những ngày cuối tuần. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết kế hoạch mở rộng 2 tuyến này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng (trái) và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội.Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay bộ đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2023 về phương án đầu tư tuyến TP HCM - Trung Lương, vì đây là một tuyến lưu lượng rất đông. Tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cũng phải tính toán đến. Đối với tuyến TP HCM - Long Thành, dự án hiện quy hoạch từ 8 - 10 làn xe do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đầu tư khai thác. "Hiện VEC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phối hợp với bộ trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến tái cơ cấu VEC, nhất là việc sử dụng các nguồn vốn tự có của doanh nghiệp (DN) này để đầu tư các dự án. Nếu tài chính bảo đảm thì mới làm được" - Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Các trung tâm đăng kiểm sớm hoạt động trở lại
ĐB Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) chất vấn việc thiếu nhân viên đăng kiểm có trách nhiệm của Bộ GTVT, vậy đây có phải là do chậm trễ trong chủ động, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành khác trong việc bố trí nhân sự không?
Trả lời các vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết các vụ việc đăng kiểm xảy ra rất đáng tiếc. Cả nước chỉ có hơn 2.000 đăng kiểm viên nhưng 1/3 trong số đó đã bị khởi tố. Trong khi để tuyển dụng được 1 đăng kiểm viên mất cả năm đào tạo, cấp chứng chỉ. Cùng với đó là 106/281 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Khi vụ việc đăng kiểm xảy ra, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng, huy động đăng kiểm viên ở tất cả các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc hỗ trợ các nơi thiếu hụt, mời đăng kiểm viên nghỉ hưu còn sức khỏe về làm việc, làm ngoài giờ không kể ngày nghỉ, ngày Tết. Đây là trường hợp bất khả kháng.
Bộ trưởng cũng cho biết đã chỉ đạo quyết liệt và hiện Cục Đăng kiểm đã tuyển dụng được 350 đăng kiểm viên, sắp tới trình sửa Nghị định 139 để có cơ chế điều chỉnh lại không nhất thiết 1 dây chuyền phải có 3 đăng kiểm viên. Như vậy nguồn nhân lực phục vụ thời gian tới chắc chắn sẽ đủ. Bộ đã ban hành Thông tư 02, trong đó miễn đăng kiểm lần đầu cho các xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với quy định các nước. Việc này sẽ giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN. Đồng thời, bộ tiếp tục sửa đổi Thông tư 16, ban hành Thông tư 08, qua đó sẽ tự động giãn đăng kiểm chứ không cần mang xe đến kiểm định. Việc này tránh lãng phí và tiết kiệm thời gian cho hơn 1,3 triệu xe.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính để đưa vào dự thảo Luật Giá sửa đổi, loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá đang quản lý. "Hiện có trên 75% DN tư nhân làm, nên phải để thị trường quyết định và điều này giúp nâng cao thu nhập cho đăng kiểm viên. Tôi cam kết chỉ trong tháng 6 này, các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường" - Bộ trưởng khẳng định.
Thanh tra toàn diện 63 tỉnh, thành
ĐB Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đặt vấn đề, theo thống kê tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân là nhiều đơn vị kinh doanh vận tải giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khi lái xe tải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm dẫn tới buồn ngủ, gây tai nạn. ĐB Huế cũng nêu tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe. ĐB Huế hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để siết lại tình trạng này?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tình trạng ĐB nêu là thực tế. Nhắc lại vụ tai nạn nghiêm trọng tại Quảng Bình cách đây 3 năm khiến 15 người chết, Bộ trưởng cho biết cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự cả người lái xe và chủ DN vì buông lỏng quản lý, giao xe cho người có bằng không đúng quy định. Vừa qua bộ cũng đã chỉ đạo thanh tra toàn diện trên 63 tỉnh, thành về chất lượng đào tạo, tổ chức thi lý thuyết, sát hạch lái xe và xử lý nghiêm khi phát hiện việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người nghiện, không đủ hành vi. Hiện đã chuyển 6 hồ sơ sang cơ quan công an xử lý. Bên cạnh đó, bộ cũng đã chỉ đạo sửa đổi các thông tư, siết chặt quản lý, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho các đối tượng nghiện.
Sáng nay (8-6), QH tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT và sau đó sẽ chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Buổi chiều QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội Sáng cùng ngày, sau phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã giải trình về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và vùng núi, mở rộng đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). Phó Thủ tướng cho biết qua khảo sát cho thấy 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở nhiều nơi còn manh mún, dàn trải. "Trước hết với trách nhiệm được phân công là người chỉ huy tổ chức thực hiện chương trình này, chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước QH, đặc biệt xin nhận trách nhiệm trước bà con đang sống ở khu vực miền núi, vì các chương trình này đã thực hiện không đúng yêu cầu đặt ra, hay nói giản dị là rất chậm" - Phó Thủ tướng bày tỏ. |
Doanh nghiệp sẽ phá sản ĐB Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH) tranh luận việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói đăng kiểm phương tiện cơ giới hiện không đáng lo, điều này chỉ đúng một phần. Giải pháp cấp bách như kéo giãn chu kỳ đăng kiểm với phương tiện cá nhân chỉ là trước mắt. Theo ĐB, 75% trung tâm đăng kiểm hiện do các DN ngoài nhà nước thực hiện. Việc giãn chu kỳ đăng kiểm khiến các trung tâm đăng kiểm tư nhân không có việc làm, không có thu nhập, nên đăng kiểm viên sẽ đi nơi khác. DN có thể sẽ phá sản. |
Nhân tài là điểm "kích nổ" cho khoa học - công nghệ Cùng ngày, QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt. ĐB Lê Thanh Vân đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, có bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước được đưa vào ứng dụng. Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại hiệu quả thiết thực? "Đâu là điểm bứt phá về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh của Tổ quốc" - ĐB Lê Thanh Vân chất vấn. Trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết hoạt động KH-CN mang tính đặc thù, đi tìm những cái mới, có thể thành công, có thể thất bại. Việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Bày tỏ tin tưởng năng lực của các nhà khoa học hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, nếu như đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp thì sẽ phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học cũng như đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học. Đó là việc rất quan trọng để chúng ta có điều kiện phát triển. Chưa hài lòng, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng điểm "kích nổ" trong chính sách để Việt Nam bứt phá về KH-CN chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài mới có thể làm thay đổi diện mạo KH-CN Việt Nam. Theo ĐB, thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để "kích nổ" trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới... Về vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tiếp thu ý kiến gợi ý của ĐB Vân và cho biết thời gian tới, bộ sẽ trình đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. |