NHTW Mỹ đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp vào thứ Tư (21/9), trong khi các ngân hàng trung ương Anh, Thụy Sĩ và Na Uy đều tăng mạnh lãi suất chỉ một ngày sau đó, vào thứ Năm (22/9) (22/9). Việt Nam cũng có quyết định tương tự.
Các NHTW của 10 nền kinh tế phát triển nhất đã tăng lãi suất tổng hợp 1.965 điểm cơ bản tính từ đầu chu kỳ tăng lãi suất này cho đến thời điểm hiện tại, trong đó chỉ riêng Nhật Bản cho đến nay vẫn giữ nguyên chính sách ôn hòa (gọi là chính sách ‘bồ câu’), khi hôm 22/9 tiếp tục duy trì mức lãi suất cực thấp.
Dưới đây là các động thái của các nhà hoạch định chính sách trong cuộc đua kiềm chế lạm phát, từ thắt chặt tiền tệ đến ôn hòa.
Các NHTW đẩy nhanh tốc độ chống lạm phát.
1) MỸ
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào thứ Tư (21/9), đẩy chỉ số Dollar index lên mức cao nhất trong hai thập kỷ. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, báo hiệu rằng sẽ có những đợt tăng tiếp theo và cảnh báo rằng không có cách nào dễ dàng để kiềm chế lạm phát.
Các dự báo mới của Fed cho thấy lãi suất chính sách của họ sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm, trước khi đạt đỉnh 4,6% vào năm 2023. Việc cắt giảm lãi suất dự kiến sẽ chưa được thực hiện cho đến năm 2024.
Fed tăng lãi suất mạnh mẽ thêm một lần nữa.
2) CANADA
Thị trường tiền tệ đặt cược Ngân hàng Canada (BoC) sẽ tăng lãi suất chính sách của mình thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 10 lên 3,75%. BoC sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa mức tăng giá trở lại mục tiêu, một quan chức của NHTW Canada cho biết hôm thứ Ba (20/9).
Vào ngày 7 tháng 9, BoC đã tăng lãi suất chính sách của mình lên 3,25%, mức cao nhất trong 14 năm. Canada là nước đầu tiên trong số các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới bước vào chu kỳ thắt chặt chính sách hiện tại khi nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản.
Canada sẽ tăng mạnh lãi suất
3) NEW ZEALAND
Ngân hàng Dự trữ New Zealand ) RBNZ) tháng trước đã tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp - và hôm thứ Tư (21/9) tăng tiếp 50 điểm cơ bản - đưa lãi suất lên 3%, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2015.
Lần này, RBNZ đưa ra một giọng điệu ‘diều hâu’ hơn các lần trước khi dự đoán tỷ lệ lãi suất sẽ tăng lên 4% vào đầu năm 2023, so với dự đoán trước đó là 3,7%. Điều đó có nghĩa là sẽ có ít nhất một lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nữa tại các cuộc họp sắp tới.
NHTW New Zealand cực kỳ ‘diều hâu’.
4) VƯƠNG QUỐC ANH
NHTW Anh (BoE) đã tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản vào thứ Năm (22/9), thấp hơn mức 75 điểm cơ bản như dự báo của một số nhà phân tích và nhà đầu tư. BoE cũng dự báo mức lạm phát đỉnh điểm chỉ dưới 11%, giảm so với mức dự báo trước đó là 13,3%.
Tuy nhiên, viễn cảnh lạm phát hai con số kéo dài và việc BoE cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ khi chính phủ mới nới lỏng chính sách tài khóa, đã khiến các nhà đầu tư tăng kỳ vọng vào việc tăng lãi suất. Thị trường tiền tệ đã dự đoán lãi suất cao nhất sẽ là khoảng 4,9%, vào tháng 6 năm 2023.
NHTW vương quốc Anh chịu sức ép lớn về việc tăng lãi suất.
5) NA UY
Na Uy, nền kinh tế phát triển lớn đầu tiên bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào năm ngoái, hôm thứ Năm (22/9) đã tăng tỷ lệ lãi suất tham chiếu thêm 50 điểm cơ bản lên 2,25%. Nhưng NHTW này cho biết các đợt tăng lãi suất trong tương lai sẽ "từ từ" hơn, làm suy yếu đồng nội tệ của nước này – đồng Krone.
Na Uy duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ.
6) ÚC
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào đầu tháng 9, là tháng tăng thứ 5 liên tiếp. Nhưng NHTW này đã thôi không đề cập đến chính sách "bình thường hóa", cho thấy lãi suất hiện đã gần hơn với mức trung lập, đồng thời thông báo họ còn nhiều việc phải làm (ngoài việc ngăn chặn lạm phát).
RBA đã tăng lãi suất tổng cộng 225 điểm cơ bản kể từ tháng 5, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 7 năm, là 2,35%.
Úc linh hoạt với mục tiêu lạm phát.
7) THỤY ĐIỂN
Thụy Điển hôm thứ Ba (20/9) đã tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm, vượt xa mức dự kiến, lên 1,75% và cảnh báo sẽ còn tăng nhiều hơn nữa trong vòng sáu tháng tới khi nước này phải đối mặt với lạm phát gia tăng.
Lần tăng lãi suất này là mức lớn nhất kể từ khi mục tiêu lạm phát được thông qua vào năm 1993, bằng với mức tăng 1 điểm phần trăm đã thực hiện vào tháng 11 năm 1992 trong cuộc khủng hoảng tài chính trong nước của Thụy Điển, khi lãi suất chủ chốt đạt 500% trong một thời gian ngắn.
Riksbank tăng lãi suất mạnh để ngăn chặn lạm phát.
8) KHU VỰC ĐỒNG EURO
ECB đã bị chậm trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng đang cố gắng bắt kịp các NHTW khác.
Đầu tháng 9, NHTW khu vực đồng euro (ECB) đã tăng lãi suất kỷ lục 0,75%, nâng lãi suất huy động lên 0,75% và lãi suất tái cấp vốn chủ chốt lên 1,25%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
ECB cho biết họ đang áp dụng chính sách " frontloading" để kiềm chế lạm phát và ngụ ý rằng việc tăng lãi suất có thể tiếp tục vào đầu năm 2023 ngay cả khi nền kinh tế của khối có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Điều đó đã thúc đẩy các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào một chuỗi các đợt tăng lãi suất lớn. Thị trường tiền tệ hiện dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất khoảng 70 điểm cơ bản trong cả tháng 10 và tháng 12 để đạt đỉnh hơn 2,8% vào giữa năm 2023, so với 2,2% dự kiến trước cuộc họp.
ECB tăng lãi suất mạnh kỷ lục.
9) THỤY SỸ
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã tăng lãi suất chính sách của mình vào thứ Năm (22/9) thêm 75 điểm cơ bản từ mức âm 0,25% lên 0,5% như dự kiến, chấm dứt giai đoạn lãi suất âm phổ biến ở châu Âu.
SNB, thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 2 trong chu kỳ này, cũng nâng dự báo lạm phát cho năm 2022 và 2023 lần lượt lên 3% và 2,4%, thêm vào đó không loại trừ khả năng cần phải tăng lãi suất thêm nữa để kiểm soát lạm phát.
SNB kết thúc giai đoạn lãi suất âm.
10) NHẬT BẢN
Nhật Bản là nhà NHTW lớn duy nhất vẫn duy trì mức lãi suất siêu thấp. Hôm thứ Năm (22/9), NHTW Nhật Bản (BoJ) đã công bố duy trì lãi suất như đã áp dụng từ lâu nay. Tuy nhiên, BoJó trấn an các thị trường rằng họ sẽ tiếp tục cố gắng để đạt mục đích giữa lúc làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nhật Bản cũng đã can thiệp để củng cố đồng yên gần đây bị trượt giá mạnh bởi sự khác biệt chính sách giữa Nhật Bản và Mỹ.
11, VIỆT NAM
Chiều ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt. Trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%. Các mức lãi suất mới chính thức áp dụng từ ngày 23/9/2022.
Đây là lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên của NHNN Việt Nam kể từ năm 2020.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết: Theo lý thuyết, việc tăng lãi suất thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam. Tăng lãi suất càng nhiều càng giữ được tỉ giá, càng tránh được sự chuyển dịch của dòng vốn và kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, cái giá phải trả là chi phí vốn vay doanh nghiệp cao hơn khiến nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại. Phó Thống đốc khẳng định ưu tiên số một của NHNN Việt Nam là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, NHNN sẽ sử dụng các biện pháp tiền tệ một cách linh hoạt để đạt được những mục tiêu đề ra.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mặc dù thị trường có nhiều biến động lớn, nhưng nhờ điều hành các chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt nên trong 9 tháng đầu năm, đồng VND chỉ mất giá khoảng 4% so với đồng USD, thấp hơn rất nhiều so với mức mất giá của các đồng tiền khác và VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Có thể ví dụ, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với USD như TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%). Có thể thấy, VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Các nhu cầu ngoại tệ trong nước thời gian qua cũng được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.
Tham khảo: Refinitiv, Tổng hợp