Goldman Sachs cho biết ngày 10/3 rằng họ đang "cắt giảm hoạt động kinh doanh ở Nga để tuân thủ các yêu cầu về quy định và cấp phép." JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, theo sau trong vòng vài giờ, cho biết họ đang "tích cực tháo gỡ" hoạt động kinh doanh ở Nga.
Việc này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng phương Tây gấp rút đánh giá hoạt động tại Nga, khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên hệ thống tài chính nước này, trong đó có cả Ngân hàng Trung ương Nga và hai nhà băng hàng đầu – VTB và Sberbank. Nhiều hãng xếp hạng tín nhiệm cũng cảnh báo khả năng vỡ nợ của các thực thể Nga.
Theo Bank for International Settlements, các thực thể Nga hiện nợ ngân hàng nước ngoài hơn 121 tỷ USD, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Các ngân hàng châu Âu có khoảng 84 tỷ USD trong số này, chủ yếu là nhà băng Pháp, Italy và Áo. Các ngân hàng Mỹ có 14,7 tỷ USD.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tình trạng kinh tế tại Nga hiện nay là điều "chưa từng có tiền lệ" và cáo buộc phương Tây gây "chiến tranh kinh tế". Moskva cho biết sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt. Do đó, nhiều ngân hàng lo sợ tài sản tại Nga bị tịch thu.
Fitch Ratings từng cảnh báo "tài sản của các ngân hàng châu Âu lớn sẽ chịu sức ép do hệ quả của việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine". Hoạt động của họ cũng sẽ gặp nhiều rủi ro do phải tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ngân hàng Societe Generale của Pháp cho biết "sẽ tuân thủ tất cả quy định và điều luật, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để làm theo các lệnh trừng phạt quốc tế ngay khi được công bố". Ngân hàng này có khoảng 21 tỷ USD tài sản tại Nga cuối năm ngoái.
Các ngân hàng Mỹ cũng có thể chịu tác động từ các biện pháp trả đũa của Nga. Citigroup tuần trước cho biết có khoảng 10 tỷ USD tài sản liên quan đến Nga. Giám đốc Tài chính Citigroup Mark Mason cho biết đang đánh giá các hậu quả theo từng kịch bản khác nhau. Tệ nhất là họ có thể mất nửa tài sản ở đây.