Tài chính

Các ngân hàng đang "ứng xử" và tính phí thế nào với các tài khoản bị "bỏ quên"?

Mỗi ngân hàng lại có chính sách và quy định khác nhau về tài khoản không phát sinh giao dịch trong thời gian dài, thậm chí khi tài khoản hết số dư.

Theo khảo sát, tại ngân hàng Agribank, khi hết thời hạn thẻ, tài khoản sẽ đóng. Nếu tài khoản còn số dư, tiền sẽ ở trạng thái nằm trong tài khoản "treo". Khách hàng có nhu cầu lấy lại sẽ phải ra quầy giao dịch thực hiện các thủ tục liên quan.

Ngân hàng này cũng không thu phí trong thời gian tạm khoá thẻ. Tài khoản không đủ số dư tối thiểu và không hoạt động trong 12 tháng sẽ được Agribank đưa vào chế độ tài khoản ngủ, không hạch toán thu phí. Nếu 36 tháng tiếp theo, tài khoản vẫn không hoạt động, ngân hàng sẽ đóng tài khoản.

Agribank cũng quy định số dư tối thiểu cần duy trì trong tài khoản thanh toán tại mọi thời điểm, tính từ thời điểm khi mở tài khoản thanh toán. Theo đó, đối với khách hàng cá nhân, số dư tối thiểu là 50.000 đồng.

Trong khi đó, ngân hàng BIDV sẽ đóng tài khoản thanh toán của khách hàng khi tài khoản hết số dư và không có giao dịch nào trong thời hạn liên tục 6 tháng. Khi đóng tài khoản, ngân hàng này sẽ chấm dứt các dịch vụ kết nối với tài khoản đó. Ngân hàng được tự động trích nợ để thanh toán các khoản phí khác theo biểu phí của BIDV và các nghĩa vụ tài chính khác của khách hàng tại BIDV (nếu có). Sau khi đóng tài khoản thanh toán, khách hàng muốn sử dụng tài khoản thanh toán phải làm thủ tục mở tài khoản thanh toán theo quy trình, quy định của BIDV.

Ngân hàng Vietcombank quy định thực hiện đóng tài khoản của khách hàng khi tài khoản có số dư bằng 0 trong thời gian trên 12 tháng liên tục. Khi khách hàng muốn sử dụng dịch vụ tài khoản của Vietcombank, khách hàng phải làm thủ tục mở tài khoản mới.

Tương tự, ngân hàng VietinBank quy định: Đóng tài khoản của khách hàng khi số dư về 0 và không phát sinh giao dịch trong thời gian 1 năm.

Tại ngân hàng TPBank, tài khoản không giao dịch sẽ chuyển về trạng thái "ngủ đông" khi số dư tài khoản không đủ thanh toán các khoản phí. Tuy nhiên, trường hợp phát sinh giao dịch có, tài khoản bị trừ phí thường niên và một số phí khác nếu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Sau đó, khách hàng tiếp tục sử dụng tài khoản trở lại như chuyển khoản, gửi tiết kiệm,…

Ngân hàng ACB cũng tự đóng tài khoản thẻ khi khách không sử dụng và không thu bất cứ chi phí nào. Khách muốn hủy thẻ sẽ phải đóng thêm 20.000 đồng.

Đối với ngân hàng Techcombank, nếu tài khoản không phát sinh bất kỳ 1 giao dịch nào trên 12 tháng, ngân hàng sẽ đơn phương khóa tài khoản.

Khi tài khoản bị khóa, ngân hàng sẽ gửi thông báo qua email hoặc tin nhắn SMS đến số điện thoại mà bạn đã đăng ký với ngân hàng. Nếu muốn tiếp tục sử dụng, khách hàng cần nạp tiền vào tài khoản hoặc đến chi nhánh nộp tiền trong vòng 30 ngày kể từ khi thông báo khóa tài khoản. Lúc này, tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng, khách hàng sẽ phải trả các khoản phí chưa thanh toán trước đó hoặc không.

Một số phí có thể phải thanh toán như: Phí duy trì tài khoản, phí thường niên thẻ ATM, phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking/Mobile Banking,… Hoặc nếu muốn duy trì tài khoản, khách hàng phải đóng "ohí quản lý tài khoản không hoạt động". Ngân hàng thu "Phí quản lý tài khoản không hoạt động" để đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của người sở hữu tài khoản và ngăn chặn việc sử dụng tài khoản không hoạt động cho mục đích gian lận hoặc rửa tiền.

Một số ngân hàng khác như, MB, MSB, HDBank,.. đều có chính sách tạm khóa hoặc đóng tài khoản, nếu chủ tài khoản không giao dịch và duy trì số dư từ 6 tháng đến 3 năm.

Để xác minh thẻ ngân hàng của mình còn hoạt động hay không, khách hàng có thể kiểm tra tại cây ATM, mang thẻ đến quầy giao dịch để nhờ nhân viên kiểm tra, gọi điện lên hotline ngân hàng, đăng nhập vào các dịch vụ ngân hàng online.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm