Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội phát triển một lĩnh vực có thể “cứu” hơn 14% GDP của đất nước

The tờ New York Times, có một nơi đang khiến các nhân viên công nghệ và nhà đầu tư đổ xô vào. Đó các các công ty khởi nghiệp (startup) phát triển công nghệ chống lại biến đổi khí hậu (hay công nghệ khí hậu).

Khi thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu thì các xu hướng về công nghệ khí hậu sẽ được coi là tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy những giải pháp bền vững.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng từ 12% - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến một triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Điều này đòi hỏi nước ta cũng phải chuyển đổi mô hình phát triển, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên thiên nhiên, sang một nền kinh tế xanh, giảm phát thải carbon để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để làm được mục tiêu này thì việc thúc đẩy công nghệ khí hậu đóng một vai trò rất quan trọng. Theo các chuyên gia đánh giá, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ khí hậu có rất nhiều tiềm năng cũng như cơ hội và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở nước ta.

Theo đó, ngày 15/1, tại Sự kiện khởi động và Hướng dẫn tham gia Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về khí hậu, ông Alan Brinker, Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát biểu: "Một trong những ưu tiên hợp tác được xác định thông qua việc nâng cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ là ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cả về chuyển dịch năng lượng và thích ứng với các tác động khí hậu đang nổi lên. 

Các doanh nhân khởi nghiệp sẽ là người nhận diện những vấn đề về khí hậu mới nổi đối với cuộc sống và tìm ra các giải pháp giúp chúng ta thích ứng. Tuy nhiên, họ không thể tự mình làm điều đó mà cần một hệ sinh thái hỗ trợ để thành công".

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội phát triển một lĩnh vực có thể “cứu” hơn 14% GDP của đất nước- Ảnh 1.

Ông Alan Brinker, Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát biểu.

Bà Trần Thị PhươngThảo, Giám đốc quốc gia của New Energy Nexus Việt Nam cho rằng, với khung chương trình được thiết kế chuyên sâu, New Energy Nexus hy vọng rằng ngày càng

nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp về khí hậu tại Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ kịp thời, từ đó nhân rộng giải pháp có tác động tới môi trường. Thực tế, bên cạnh các hoạt động đào tạo, cố vấn, chương trình còn kỳ vọng sẽ xây dựng một hệ sinh thái khí hậu kết nối mạnh mẽ.

Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đã tích cực trao đổi về phân tích những khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam đang phải đối mặt.

Startups công nghệ khí hậu ở Việt Nam đang gặp khó khăn gì?

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội phát triển một lĩnh vực có thể “cứu” hơn 14% GDP của đất nước- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đồng sáng lập kiêm CEO Selex Motors, chia sẻ về những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đồng sáng lập kiêm CEO Selex Motors: "Công nghệ khí hậu mất rất nhiều thời gian để xây dựng và phát triển. Trên thực tế, những thách thức về kinh tế, tài chính cũng không có ngay được và các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải xác định ngay từ đầu. Tôi nghĩ rằng khó khăn, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khí hậu và các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam là gọi vốn, thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm vào nước ta. Thách thức này không chỉ ở Việt Nam mà còn tại khu vực Đông Á nói chung. Chúng ta cũng đang thiếu các nhà đầu tư về cả lượng và chất".

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết, trên thực tế, Việt Nam chưa có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ khí hậu. Đây là một điều dễ hiểu. Hơn nữa, về chất lượng, có nhiều nhà đầu tư hiện nay họ vẫn mang tư duy là đầu tư vào phần mềm. Nhưng điều này rất khác với việc đầu tư vào khí hậu. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi tư duy. Ngoài ra, còn có các khoảng trống khác liên quan tới vốn hạt giống, vốn series A, series B…

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung ở Việt Nam thì cũng rất khó để có thể thu hẹp được khoảng cách giữa vốn hạt giống và vốn series A, để về sau doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong khi đó, về công nghệ khí hậu thông thường rất "nhạy cảm" với các chính sách của các chính phủ. Các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng của tình hình chính trị và địa chính trị trên thế giới. Do đó, chúng ta phải chờ xem có rất nhiều nguồn vốn đầu tư mạo hiểm thì họ đã tự hạn chế chính mình trong một số vai trò mà họ có thể chưa chấp nhận về mức độ rủi ro cao hơn.

"Trên thực tế, cũng có những thay đổi góc nhìn về đầu tư và công nghệ khí hậu, nhưng chúng ta phải chấp nhận cái rủi ro cao hơn trước những thay đổi. Khí hậu không chờ ai cả. Do đó chúng ta cần phải thay đổi tư duy đối với việc đầu tư vào khí hậu.

Tôi hy vọng Việt Nam có thể có những đổi lớn. Tôi ước rằng chúng ta có thể có những mục tiêu được đưa một cách rõ ràng hơn để hướng tới những hành động khí hậu. Chẳng hạn, từ nay tới năm 2030, Việt Nam cần phải có tỷ lệ bao nhiêu xe điện lưu thông trên đường và những chính sách hỗ trợ cho những bên liên quan để đạt được mục tiêu đã đề ra", CEO Selex Motors nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội phát triển một lĩnh vực có thể “cứu” hơn 14% GDP của đất nước- Ảnh 3.

Bà Lindsay Umalla (ngoài cùng bên phải), đại diện SNV, trao đổi với các chuyên gia về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu.

Theo bà Lindsay Umalla - Energy Sector Leader – SNV, các doanh nghiệp có thể đầu tư vào việc tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là chúng ta cần phải xây dựng mạng lưới, làm thế nào để kết nối lẫn nhau, hiểu xem các bên khác đang làm gì?... Đây là khoảng trống mà chúng ta cần làm để cung cấp thông tin. Đồng thời cần xem nguồn vốn đang ở đâu và nguồn vốn của chúng ta làm sao để xúc tác hơn nữa để tạo thêm động lực? Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải mở rộng khung phân tích về mạng lưới này.

Thứ hai, về thông tin và dữ liệu. Thực tế rất khó để có được những thông tin chi tiết như báo cáo trọng điểm nên chúng ta cần phải phối hợp với nhau để xem đầu tư vào khí hậu đang tiến tới hiện trạng như thế nào.

"Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nguyên. Vâng, đúng là đầu tư vào công nghệ đã khó rồi, đầu tư vào công nghệ khí hậu thì lại càng khó hơn. Đó là lý do tại sao ... chúng tôi thấy rằng công nghệ là một yếu tố rất quan trọng, thương mại hóa cũng thế. Bởi các vòng gọi vốn series A, series B, các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ khí hậu luôn trăn trở làm thế nào để phát triển bền vững, làm thế nào để có lợi nhuận?

Khi làm việc với các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, chúng tôi thấy rằng có rất nhiều doanh nghiệp không trụ lại được và sẽ cần phải đưa ra các hoạt động hỗ trợ để họ có thể chứng minh được mô hình kinh doanh của mình và sau đó mở rộng quy mô", đại diện SNV chia sẻ.

Đồng ý quan điểm hai chuyên gia, bà Từ Thu Hiền, người sáng lập kiêm CEO của Tổ chức Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), chia sẻ thêm về các doanh nghiệp có lãnh đạo nữ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Theo bà, số lãnh đạo nữ bị ảnh hưởng khá đông, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Có nhiều thách thức khác nhau với các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ khí hậu.

"Vừa rồi, anh Nguyên có nói về khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn. Trong những năm vừa qua, khó khăn này tác động nhiều tới các chủ doanh nghiệp là nữ trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi đặt ra câu hỏi là làm thế nào để ứng phó với biến đổi khí hậu mà họ vẫn có thể canh tác bền vững? Chúng tôi đã cung cấp những chương trình và hỗ trợ về chuyên môn cụ thể cho các doanh nghiệp này để đưa ra những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tiếp cận thị trường theo những phương thức mới.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu đã khó rồi, với doanh nghiệp có lãnh đạo nữ thì lại càng khó, đặc biệt là trong việc tiếp cận và gọi vốn. Do đó, theo tôi, chúng ta cần phải có những sự kiện kết nối như thế này để chia sẻ xem ai có thể làm gì cũng như nâng cao hiệu quả về các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu", CEO WISE chia sẻ.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Alan Brinker, đại diện Đại sứ quán Mỹ - Trung tâm CCE tại Việt Nam cho rằng, không chỉ năng lượng tái tạo mà giáo dục nâng cao nhận thức về công nghệ khí hậu cũng cần phải được tăng cường. Đầu tư vào lĩnh vực còn đang phát triển như thế này, rõ ràng các doanh nghiệp cũng phải đối diện với lợi nhuận rủi ro. Do đó, chúng ta cần phải hỗ trợ không chỉ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đề xuất ra các giải pháp đó mà cho cả những doanh nghiệp áp dụng công nghệ được đưa ra này.

Thời của các startup công nghệ khí hậu đã tới?

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội phát triển một lĩnh vực có thể “cứu” hơn 14% GDP của đất nước- Ảnh 4.

Các chuyên gia là đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ về cơ hội cho startups về công nghệ khí hậu.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, khó khăn lớn nhất là giai đoạn tạo ra sản phẩm mẫu. Bởi vì thông thường công nghệ khí hậu rất khó và cần phải có nguồn vốn để huy động, đồng thời cần có môi trường để cho những người trẻ như sinh viên được tiếp cận và có thể tự do thử nghiệm ý tưởng của mình. Ngoài ra, còn cả một câu chuyện dài là chúng ta sẽ xây dựng mô hình kinh doanh như thế nào, cách thu hút nhà đầu tư...

"Tôi nghĩ là có rất nhiều cơ hội cho công nghệ khí hậu ở Việt Nam. Chúng ta đề cập tới năng lượng tái tạo, xe điện, nông nghiệp... Có rất nhiều cơ hội ở đó. Tôi làm trong lĩnh vực xe điện và hiện nay chúng ta có tới 17 triệu phương tiện giao thông cơ giới thì cũng cho thấy tiềm năng rất lớn. Tôi nghĩ rằng có cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiến hành chuyển dịch, chuyển đổi thành một quốc gia phát triển, chỉ bằng việc tập trung vào công nghệ bền vững, thúc đẩy bền vững, cũng như là công nghệ khí hậu", CEO Selex Motors nhận định.

Đồng quan điểm, bà Từ Thu Hiền cho biết, trên thực tế thì việc đầu tư cho lĩnh vực nào cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Khi đề cập tới ý tưởng thì dễ dàng hơn, nhưng khi chúng ta nói tới xây dựng sản phẩm hoặc những thứ mà thị trường cần thì không dề. Thách thức ở đây là làm thế nào chúng ta có tư duy đúng về biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể làm gì và mỗi giải pháp có thể làm gì để khắc khục? Khi chúng ta hiểu rõ vấn đề từ đầu và đặt nó vào đúng bối cảnh, từ đó tiến tới giải quyết những khó khăn chính về biến đổi khí hậu.

Hiện nay, có rất nhiều cơ hội và tiềm năng lớn trên thị trường. Chúng ta có thể xây dựng các giải pháp, tận dụng những tiềm năng lớn đó và đặt câu hỏi là một hệ sinh thái có thể hơ trợ ra sao để một ý tưởng phát triển thành một giải pháp.

Tiếp lời hai chuyên gia, bà Lindsay Umalla nhận định, chúng ta nên làm thế nào để trao đổi với các trường đại học, cơ sở giáo dục đại học để phát triển các ý tưởng kinh doanh. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể khởi nghiệp và trong bất cứ lĩnh vực nào. Một điểm nữa là lực lượng lao động ở Việt Nam có tính linh hoạt và thích ứng rất cao, có mối quan tâm lớn phát triển bền vững, năng lượng tái tạo... Hơn nữa, với công nghệ chúng ta có thể đi trước quy định, nhưng cần phải có khung pháp lý và cần tạo điều kiện, kế hoạch hành động để thu hút vốn.

"Hiện nay, Việt Nam cũng đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Chúng ta có thể đi rất nhanh, thậm chí trước cả khung pháp lý. Tuy nhiên, một mặt khác chúng ta cũng cần khuyến khích để thu hút các nguồn vốn. Việt Nam có thế mạnh về thích ứng khi phía Chính phủ cũng nhận thức rằng biến đổi khí hậu là khó khăn, thách thức trên toàn cầu và chúng ta cần giảm thiểu phát thải cũng như tiến tới phát thải ròng bằng 0. Tất cả những mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta cần phải hành động nhanh hơn", đại diện SNV chia sẻ.

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội phát triển một lĩnh vực có thể “cứu” hơn 14% GDP của đất nước- Ảnh 5.

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về khí hậu được kỳ vọng là bệ phóng cho các giải pháp khí hậu đột phá tại Việt Nam.

Dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ và được triển khai thực hiện bởi New Energy Nexus Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của VMO Holdings và Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp Khởi nghiệp về khí hậu hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khí hậu có thể tiếp cận nguồn đầu tư, mở rộng thị trường từ đó thúc đẩy quá trình phát triển và nhân rộng các giải pháp khí hậu có tác động thiết thực.

Sự kiện này sẽ đánh dấu sự ra mắt công chúng chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về khí hậu kéo dài 24 tháng, từ tháng 10/2024 đến hết tháng 8/2026. Cụ thể, các doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự sẽ được đào tạo chuyên sâu trong 6 tháng tập trung vào phát triển chiến lược triển khai thị trường, chiến lược thu hút đầu tư. 

Sau đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khí hậu để thuyết trình ý tưởng và nhận góp ý. Các doanh nghiệp được lựa chọn đi tiếp cùng chương trình sẽ tiếp tục được nhận những hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các hoạt động cố vấn, kết nối với nhà đầu tư, hỗ trợ xây dựng chiến lượng marketing và cơ hội tham dự các sự kiện kết nối lớn tại Việt Nam và quốc tế.

(Ảnh: MH)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm