Tốc độ tăng doanh thu bảo hiểm giảm một nửa
Theo kết quả khảo sát mới đây của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) dự kiến mức tăng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10 - 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế năm 2021 (24,98%).
Trong đó các doanh nghiệp mảng phi nhân thọ khá thận trọng với kế hoạch tăng lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Nguyên nhân của mức kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thấp trong năm đến từ ba yếu tố chính gồm xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét hơn trong hai năm trở lại đây, các khoản chi phí tăng mạnh trở lại và cơ hội đầu tư ảm đạm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường dài hạn còn rất lớn.
Ngoài ra, thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) ở mức thấp, lần lượt ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển.
Tại Việt Nam, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người hiện nay dao động quanh mức 72 - 75 USD, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm dự kiến sẽ được Bộ Tài chính nâng lên 15% vào năm 2025 khi hiện tại tỷ lệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10% dân số. Ngành bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỉ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).
Tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành.
Doanh số bảo hiểm sức khoẻ tăng mạnh
Theo số liệu mới công bố của Tổng Cục Thống kê, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính tới cuối tháng 5/2022, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1%.
Có thể nhận thấy, mảng bảo hiểm phi nhân thọ có được mức tăng trưởng tích cực trong 5 tháng nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của cả năm 2021. Hiệp hội cho rằng đà tăng trưởng này dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách.
Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe vốn có xu thế tăng trưởng nhanh hơn các nhóm nghiệp vụ khác trong những năm gần đây, đặc biệt tăng trưởng rất mạnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong 5 tháng đầu năm,bảo hiểm sức khỏe đứng số 1 về doanh thu trong khối phi nhân thọ, ước đạt 8.512 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,9%, tăng 20,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người cũng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 sau khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đã có dấu hiệu giảm trong 2 năm gần đây (đạt dưới 20%, so với mức tăng 30% những năm trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác mới 5 tháng năm 2022 ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 (giảm lần lượt 19,9% và 4,8%).