Thời sự

Các công ty xây dựng Hàn Quốc quan tâm tới thị trường Việt Nam

Với việc thị trường nhà ở tại Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn trì trệ, chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc cũng đang có nhiều thay đổi. Trong số đó, các công ty xây dựng lớn như GS E&C, Daewoo E&C, Lotte E&C đã "chấm" Việt Nam, chọn đây là nơi đầu tiên trong công cuộc khai phá thị trường nước ngoài năm 2023.

Cùng với đó, với chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ Hàn Quốc cho các công ty trong nước thâm nhập thị trường xây dựng nước ngoài, các đơn đặt hàng ở nước ngoài của doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc (K-Construction) dự kiến sẽ sôi động hơn.

Tờ Newdaily của Hàn Quốc đưa tin một trong những thị trường nước ngoài mà các công ty xây dựng Hàn Quốc chú ý nhất trong năm nay là Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã xác nhận 'Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2030' và "Tầm nhìn Quy hoạch Tổng thể 2045" với mục tiêu trở thành một quốc gia tiên tiến vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đầu tư vào giao thông vận tải, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), cơ sở hạ tầng. Quy mô của ngành cơ sở hạ tầng cũng được dự đoán sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 9,8% từ 5,2 tỷ USD năm ngoái lên 11 tỷ USD vào năm 2030.

Hiện tại, các công ty xây dựng lớn của Hàn Quốc có thương hiệu ở Việt Nam là GS E&C, Daewoo E&C và Lotte E&C. GS E&C. Lotte E&C đang tăng cường sự hiện diện tại địa phương bằng cách thực hiện các dự án phát triển quy mô lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam. Daewoo E&C đã triển khai dự án ở thủ đô Hà Nội, song gần đây cũng cho thấy nhiều động thái xem xét mở rộng đầu tư vào khu vực phía Nam cụ thể là tỉnh Bình Dương.

Trong bối cảnh này, dự kiến sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty xây dựng Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, thuộc top cao nhất trong khu vực, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh từ mức giảm sâu 5,36% của năm 2021 đến năm 2022 đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước với tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm trước đó.

Ở các thị trường nước ngoài khác, các công ty xây dựng Hàn Quốc chủ yếu giành được đơn đặt hàng cho các dự án cơ sở hạ tầng như nhà máy hóa dầu, đường sắt và đường bộ. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm của các dự án phát triển bất động sản tại Hàn Quốc, Daewoo E&C, Lotte E&C và GS E&C đang tích cực đầu tư vào các dự án xây dựng khu đô thị mới, đô thị thông minh tại Việt Nam với mức tăng trưởng ổn định và tạo ra lợi nhuận cao.

Daewoo E&C là công ty đầu tiên "để mắt" và tiến vào thị trường Việt Nam. Sau khi bước những bước đầu tiên vào thị trường bằng cách thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội vào năm 1991, Daewoo E&C đã xúc tiến dự án phát triển khu đô thị mới kiểu Hàn Quốc đầu tiên mang tên “Star Lake City”.

Dự án này nhằm tạo ra một khu đô thị mới có diện tích 2.104.281 m2 ở phía Tây Bắc Hà Nội, đồng thời sẽ xây dựng nhiều khu dân cư, cơ sở thương mại và cơ quan chính phủ. Tổng chi phí dự án là 3,1 tỷ USD do công ty THT Việt Nam (chủ sở hữu Daewoo E&C) triển khai. Star Lake City được triển khai theo phương thức quản lý tổng hợp, trong đó Daewoo E&C trực tiếp phụ trách từ khâu đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế, huy động vốn, cho tới khâu thi công và phân phối.

Một quan chức của Daewoo E&C giải thích: "Không giống như các dự án khác khi công ty chỉ phụ trách thi công xây dựng, dự án Star Lake City được triển khai theo hướng quản lý tổng hợp có thể giúp chúng tôi thu được lợi nhuận lớn hơn đồng thời góp phần làm tăng khả năng giành được đơn đặt hàng từ các dự án khác trong tương lai".

Sau khi mua lại tập đoàn Jungheung, Daewoo E&C tiếp tục cho thấy nỗ lực mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam khi tìm kiếm các dự án ở khu vực phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Jeong Won-joo Phó Chủ tịch Tập đoàn Jungheung, gần đây đã có cuộc gặp với các quan chức cấp cao ở tỉnh Bình Dương và công bố kế hoạch xem xét đầu tư, mở rộng dần xuống khu vực phía Nam.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn mà Lotte E&C và GS E&C đang triển khai dự án phát triển khu đô thị mới, và sự cạnh tranh sẽ còn "khốc liệt" hơn nữa khi Daewoo E&C cũng tham gia vào khu vực này.

Dự án “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm” của Lotte E&C, mới được động thổ tháng 9/2022, là khu đất rộng 50.000m2 tại Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) với tổng diện tích sàn khoảng 680.000m2, gấp 1,5 lần của khu phức hợp COEX ở Seoul. Đây là dự án xây dựng một khu phức hợp bao gồm 11 tòa nhà từ 10-50 tầng với các loại hình như khách sạn, nhà ở và căn hộ.

Trước khi tiến vào thị trường xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006, Lotte E&C đã có nhiều công trình tiêu biểu như tòa nhà 65 tầng Lotte Center Hanoi và Lotte Mall Hanoi. Năm 2019 Lotte E&C đã thành lập công ty phát triển Lotte Land. Hiện Lotte E&C và Lotte Land đang cùng thực hiện các dự án phát triển.

Cùng góp mặt tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có GS E&C. Công ty hiện đang tiến hành dự án khu đô thị thông minh theo phong cách Hàn Quốc “GS Metro city Nhà Bè” trên khu đất rộng 3,5 triệu m2 ở huyện Nhà Bè, cách Thành phố Hồ Chí Minh 5 km. Phó Chủ tịch Lim Byeong-yong và Giám đốc Heo Yoon-hong cùng các lãnh đạo cấp cao khác của GS E&C vừa có cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận về các biện pháp hợp tác đầu tư, thể hiện nỗ lực tích cực trong các hoạt động mở rộng kinh doanh.

Lãnh đạo một công ty xây dựng Hàn Quốc cho biết, Việt Nam hiện là một thị trường hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng cao, thị trường xây dựng của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng từ 41 tỷ USD trong năm nay lên 46 tỷ USD vào năm tới.

Kim Hwa-rang, nghiên cứu viên tại Viện Công nghiệp Xây dựng Hàn Quốc, cho biết: "Chính phủ Việt Nam sẽ mở rộng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên các dự án hợp tác công tư (PPP) với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế. Theo đó, cần có sự giám sát và tham gia liên tục của các công ty xây dựng Hàn Quốc và các cơ quan Chính phủ Việt Nam”. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm