Ngày 13.4, tin từ Sở NN-MT Cà Mau cho biết, tỉnh hiện có khoảng 194/254 km bờ biển đang bị sạt lở với nhiều hình thức khác nhau. Trong giai đoạn 2011 - 2023, sạt lở đã làm hơn 6.000 ha đất và rừng phòng hộ ven biển bị mất.

Đai rừng ven biển ở Cà Mau được phục hồi
ẢNH: G.B
Trước diễn biến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau đã chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp. Khoảng 15 năm qua, với sự hỗ trợ từ T.Ư và nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư xây dựng khoảng 93 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí gần 3.600 tỉ đồng. Trong đó, tuyến kè bảo vệ bờ biển tây dài 56 km, bờ biển đông khoảng 37 km.
Các công trình kè không chỉ giúp hạn chế tình trạng sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân mà còn tạo điều kiện gây bồi, hình thành các bãi đất mới để trồng rừng ngập mặn. Nhờ đó, đến nay, hơn 1.000 ha rừng phòng hộ ven biển tại Cà Mau đã được phục hồi, hình thành nên những vành đai xanh quan trọng trong việc giữ đất, ngăn mặn và bảo vệ môi trường sinh thái.
Mới đây, một trong những dự án trọng điểm là dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển do T.Ư hỗ trợ đã chính thức hoàn thành, góp phần trồng mới hơn 316 ha rừng ngập mặn tại vùng ven biển Cà Mau.
Ông Trần Thanh Út, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: "Đai rừng ngập mặn mới được hình thành chủ yếu tại các khu vực ven biển phía đông và tây của xã Đất Mũi, một phần ven biển thuộc xã Viên An (H.Ngọc Hiển) và xã Lâm Hải (H.Năm Căn)".
Cũng theo ông Út, toàn bộ diện tích rừng trồng từ đầu năm 2021 với giống cây mắm trắng, hiện đã gần 4 năm tuổi, cao trung bình 4 m đang phát triển tốt. Thảm thực vật này giúp ổn định lớp đất bùn mềm dưới chân rừng, từ đó làm giảm rõ rệt tình trạng xói lở bờ biển.
Hiện, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai công trình kè bảo vệ bờ biển tây dài 18 km, với tổng kinh phí hơn 500 tỉ đồng. Đây là công trình tích hợp nhiều giải pháp vừa ngăn sạt lở, vừa gây bồi tạo bãi để trồng rừng. Khi hoàn thành, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích đai rừng phòng hộ và góp phần đẩy đường bờ biển tiến thêm về phía biển.