Ngày 8/6, TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận, điều trị 3 trường hợp bị ngộ độc rất nặng từ Tây Ninh. Nạn nhân là người trong cùng một gia đình, gồm hai vợ chồng và con gái. 4 ngày trước, hai vợ chồng bệnh nhân đi hái nấm về chế biến, cắt nhỏ xào với mướp và cả gia đình cùng ăn.
Khoảng 8 đến 12 giờ sau khi ăn, cả gia đình có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, dù bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng người chồng không qua khỏi. Người vợ và con gái hiện đang trong tình trạng suy gan cấp, rối loạn đông máu.
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân ngộ độc nặng do ăn nấm. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định được loại nấm các nạn nhân đã sử dụng. BS Thủy Ngân cho biết, sau 2 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe người con gái đã có cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi, điều trị liên tục về tình trạng rối loạn đông máu. Người vợ hiện rất nguy kịch, suy gan diễn tiến nặng, hiện đang được lọc máu nhưng tiên lượng khó qua khỏi.
Nấm là thức ăn bổ dưỡng nhưng để tránh ngộ độc, người dân cần sử dụng loại nấm rõ nguồn gốc xuất xứ đã được thẩm định bởi các chuyên gia về nấm. Không nên tự tin vào sự hiểu biết về nấm của bản thân để tránh tình huống nhầm lẫn đáng tiếc nguy hiểm đến tính mạng” TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân - Phó khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy
Được biết, thời gian qua Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc nấm, đa phần là do người dân có thói quen hái nấm dại về sử dụng. Về vấn đề ngộ độc nấm, BS Thủy Ngân cho biết, mỗi loại nấm có độc tố khác nhau nên người bị nhiễm độc sẽ bị tấn công vào các cơ quan khác nhau. Một số trường hợp từng bị ảo giác sau khi ăn nấm hoặc rối loạn tri giác, rối loạn chức năng gan, suy thận.
Tình trạng nhiễm độc sau khi ăn nấm có thể khởi phát ngay sau khi ăn cũng có thể khởi phát muộn từ 8 đến 12 giờ. Nhiều trường hợp chỉ có triệu chứng về đường tiêu hóa thường khiến người dân chủ quan, nhập viện trễ khiến tình trạng ngộ độc diễn tiến nặng, khó khăn cho việc điều trị.
Theo BS Thủy Ngân, đến thời điểm hiện nay, việc xác định độc tố ngộ độc nấm thường khó khăn nên giải pháp cứu chữa bệnh nhân chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nấm, gia đình, người thân cần mang theo mẫu nấm hoặc hình ảnh của cây nấm nạn nhân đã sử dụng khi đến bệnh viện cấp cứu. Điều đó sẽ giúp bác sĩ xác định được loại nấm, xác định được độc tố và có giải pháp điều trị tối ưu nhất.