Sau các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ đầu tháng 2 đến nay, có 2 giải pháp về các gói tín dụng được hé lộ. Đầu tiên là đề xuất của Bộ Xây dựng với gói khoảng 110.000 tỷ đồng (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây), cấp tới các ngân hàng thương mại để cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.
Thứ hai là gói tín dụng riêng khoảng 120.000 tỷ đồng cũng cho nhà ở xã hội được 4 ngân hàng thương mại Nhà nước thống nhất trước thềm hội nghị với Thủ tướng hôm 17/2. Gói này lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất bình quân thị trường với người xây dựng và mua nhà.
Tuy nhiên, chiều 2/3, trong thông cáo phát đi, Bộ Xây dựng không đề cập đến việc nghiên cứu tiếp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đã đề nghị trước đó. Thay vào đó, bộ này cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Nói thêm với VnExpress, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích, "Bộ Xây dựng không đề xuất gói 110.000 tỷ đồng nữa". Trước đó, ông chia sẻ, gói này được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý về nguồn vốn. Bởi nếu nguồn từ tái cấp vốn tức cung ứng tiền với thời gian dài có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ.
"Sử dụng gói tín dụng 120.000 tỷ của Ngân hàng Nhà nước sẽ đơn giản về thủ tục và có nguồn để thực hiện được ngay", ông nói.
Về gói 120.000 tỷ đồng, chiều 2/3, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại triển khai các lộ trình, quy định chung. Theo ông, đây là gói vay thương mại nên doanh nghiệp, người mua nhà đáp ứng các điều kiện sẽ được vay. Thực tế nhiều dự án nhà ở xã hội được phê duyệt nhưng chưa đầy đủ tính pháp lý.
"Tinh thần của ngân hàng là khẩn trương đưa ra gói này, nhưng tiền sẵn mà pháp lý dự án chưa đầy đủ cũng vướng mắc. Do đó, cơ chế, cách thức để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng vay đang được 4 ngân hàng thương mại bàn bạc, tính toán và thống nhất", ông nói với VnExpress.
Trước ý kiến cho rằng mức lãi suất vay của gói chưa hấp dẫn, ông Tú giải thích, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại dao động quanh mức 3%. Với gói tín dụng này, các ngân hàng sẽ phải "cắt" 1,5-2% từ chênh lệch trên, nên biên lãi còn lại của họ khá mỏng. Ông nói thêm, quy mô gói tín dụng này sẽ lớn 120.000 tỷ đồng nếu sau này có thêm sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đề xuất là cần thiết cho thị trường bất động sản nhưng vốn từ đâu cho gói tín dụng này là vấn đề.