Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" vừa được Bộ xây dựng trình Thủ tướng. Ý tưởng về một triệu căn nhà xã hội này từng được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề cập tại một hội nghị vào đầu tháng 8 và Thủ tướng giao cơ quan này nghiên cứu.
Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, theo tổng hợp từ 40 địa phương, khoảng 2,6 triệu căn. Các địa phương cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 1,8 triệu căn, đáp ứng gần 70% nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, tại đề án vừa trình, Bộ Xây dựng nêu mục tiêu tới năm 2030 sẽ có ít nhất 1 triệu căn hộ thay vì 1,8 triệu căn.
Lý giải thêm về con số này, ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mức này thấp hơn mục tiêu mong muốn của các địa phương nhưng được đánh giá "khả thi hơn" sau khi bộ rà soát kỹ.
"Thực tế là có một số dự án địa phương đề xuất nhưng chưa có đất, chủ trương đầu tư... Chúng tôi phải tính toán dựa trên mức độ khả thi. Đề án đang được tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và con số chính thức vẫn đang chờ chốt", ông nói.
Các địa phương có trung tâm công nghiệp sẽ xây nhiều căn nhà ở xã hội hơn. Trong đó, dẫn đầu là Long An (310.000 căn), Bắc Giang (285.143 căn), Bắc Ninh (96.247 căn), (Bình Dương 84.000 căn)...
Nhà ở xã hội cũng sẽ được ưu tiên xây tại các đô thị lớn như Hà Nội (xây thêm 136.000 căn), TP HCM (130.000 căn hộ), Hải Phòng (45.355 căn), Đà Nẵng (19.360 căn)...
Đề án dự kiến phân làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu. Từ 2025-2030 hoàn thành 1,1 triệu căn, đáp ứng 85%.
Thời gian qua, việc xây nhà xã hội, như Bộ trưởng Xây dựng từng thừa nhận, gặp nhiều khó khăn do thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán kéo dài, phức tạp hơn nhà thương mại. Dự án nhà xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn. Việc xác định giá trước khi bán, cho thuê, thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định khiến "kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp".
Để đạt mục tiêu có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát các vướng mắc, phân cấp triệt để, rút ngắn thủ tục hành chính. Các chính sách được thiết kế sẽ theo hướng hậu kiểm, từ giá bán, đối tượng đến các điều kiện.
Với nút thắt về quỹ đất, bộ sẽ đôn đốc các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất. Quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội sẽ được thực hiện nghiêm.
Ngoài ra, bộ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế... theo hướng sửa các cơ chế chính sách cho nhóm người thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, để mục tiêu này sớm đạt được, Bộ Xây dựng đánh giá, người đứng đầu địa phương cũng phải xác định xây dựng nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị của cá nhân.
Hiện cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn. 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn đang được triển khai.