Trả lời báo chí nhân dịp Tết Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...
Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế.
Bối cảnh, tình hình thế giới nêu trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để thích ứng với tình hình, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Hoàn thiện định hướng phát triển 6 vùng kinh tế, đẩy nhanh công tác quy hoạch, tạo lập không gian, động lực phát triển mới cho các vùng, địa phương; đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn vốn đầu tư công; tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn lực, cải thiện sức cạnh tranh, năng lực nội tại của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện cùng với việc đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tại Chiến lược 10 năm. Từ đó, không chỉ là vấn đề hóa giải khó khăn, thách thức trước mắt, mà còn nâng cao năng lực sản xuất trong nước, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, khả năng tự chống chịu của nền kinh tế trước các yếu tố, thách thức mới từ bên ngoài trong trung và dài hạn.
Doanh nghiệp khó khăn về vốn
Bộ trưởng cho biết, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, những vấn đề phát sinh trong nước cùng những tác động tiêu cực dài hạn của dịch COVID-19, khu vực doanh nghiệp giai đoạn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh; khó khăn trong duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp.
Đơn hàng, doanh thu, doanh số bị sụt giảm mạnh, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh phát hành mới gần như đóng băng, hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư và mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Điều này lại càng tạo nên rủi ro cho các doanh nghiệp đã phát hành, khi tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến 2024 là rất lớn. Rủi ro đặc biệt đối với ngành bất động sản khi phần lớn dư nợ trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản trong khi thị trường này đang gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh lãi suất ngày một tăng cao.
Huy động vốn qua thị trường cổ phiếu tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dòng tiền vào thị trường đang sụt giảm do: Các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát cho vay, đầu tư chứng khoán chặt chẽ hơn và lãi suất cho vay ký quỹ tăng; Các doanh nghiệp lớn phải thanh lý danh mục đầu tư cổ phiếu để cân đối dòng tiền mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh không tiến cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Tâm lý lo ngại, thận trọng và niềm tin sụt giảm của nhà đầu tư trước những tác động tiêu cực từ bối cảnh rủi ro vĩ mô và những vi phạm trên thị trường vốn.
Thanh khoản của các ngân hàng đang gặp nhiều áp lực và lãi suất cho vay tăng cao khiến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp gần như bế tắc. Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm bởi phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại buộc phải gia tăng lãi suất huy động để thu hút vốn, đẩy mặt bằng lãi suất lên vay lên cao, lên tới 13-15%.
Đang trình Chính phủ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh như vậyKH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, NHNN và các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, trong đó có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp như: Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phuc hồi kinh tế; hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kịp thời nắm tình hình, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
Xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế. Tăng cường năng lực quản trị tài chính, khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung, cho doanh nghiệp nói riêng", Bộ trưởng cho biết.
Những ngày cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu,…
Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nói riêng, cho nền kinh tế nói chung, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Một là, triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất, toàn diện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách, rà soát, điều chỉnh nguồn lực từ các chính sách khó triển khai hoặc không thực hiện hết cho các chính sách còn dư địa (như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà,…).
Hai là, tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp,…; hoàn thiện cơ chế, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để giảm áp lực dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) tạo theo sự lực chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết.