Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 27/10, một số đại biểu bày tỏ lo ngại khi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành chậm tiến độ.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) nhận xét dự án này đã quá chậm bởi theo Nghị quyết số 53 ngày 24/11/2017 của Quốc hội thì dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2021.
Đại biểu cho rằng Chính phủ cần tính toán tiến độ giải quyết tái định cư, ổn định đời sống của người dân và xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi để dự án kéo dài như vậy.
Đại biểu nêu ý kiến ở Đồng Nai, sau khi trả lại mặt bằng sạch cho dự án, người dân chưa được định cư ổn định. Vì vậy vấn đề này cần được xem xét kỹ, sớm ổn định đời sống người dân ở khu vực bị thu hồi đất.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) bày tỏ sự chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng theo đại biểu, để chậm trễ đến 3 năm là một điều “rất đáng báo động.”
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng Chính phủ cần phải báo cáo Quốc hội ngay trong năm 2021, chậm nhất là năm 2022 khi đánh giá về khả năng không đạt tiến độ giải ngân chứ không phải là để đến bây giờ mới báo cáo Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu ý kiến, hiện tại, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục xin kéo dài thêm cho đến năm 2024 thì có nghĩa là riêng khâu giải phóng mặt bằng của dự án đã chậm ít nhất là 3 năm so với kế hoạch.
Đại biểu cho rằng chậm tiến độ sẽ gây rất nhiều hệ lụy đến kế hoạch hoàn thành dự án chung của Quốc hội, Chính phủ và chắc chắn sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng bày tỏ lo ngại về đề xuất kéo dài dự án này, khi chỉ còn 2 năm nữa để giải phóng mặt bằng, trong khi đó, khối lượng công việc là rất lớn và khó khăn.
Cũng thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho hay dự án tổng thể của sân bay Long thành nếu có chậm thì cũng không quá một năm.
Theo Bộ trưởng, sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, là dự án cảng hàng không có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và cũng là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hàng không.
Riêng cấu phần giải phóng mặt bằng diện tích rất lớn, hơn 5.000 ha bao gồm 5.000 ha cho sân bay và hơn 300 ha cho khu tái định cư và khu vực ngoài sân bay.
Khi Quốc hội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt triển khai dự án, Đồng Nai đã rất quyết liệt trong triển khai.
Nói về nguyên nhân chậm trễ, ông Thắng cho biết trong hai năm dịch bệnh, tình hình rất khó khăn để triển khai công việc đặc biệt là việc đi xuống hiện trường kiểm tra đánh giá nghiệm thu bàn giao rất khó.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, xung đột Nga-Ukraine xảy ra khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến dự án xây dựng khu tái định cư của người dân.
Theo đánh giá của Bộ trưởng GTVT hiện nay, đã qua được đoạn khó khăn nhất về tiến độ của dự án.
Về lo ngại của các đại biểu Quốc hội về việc dự án đền bù, tái định cư này bị kéo dài thêm 3 năm thì có ảnh hưởng tới tiến độ chung không, Bộ trưởng cho biết có thể chậm giải phóng mặt bằng, gia hạn thời gian đến năm 2024, nhưng tiến độ chung của dự án sân bay Long Thành vẫn đang kiểm soát được.
Theo Bộ trưởng, dự án tổng thể của sân bay Long thành nếu có chậm thì cũng không quá một năm. Lý do là toàn bộ phần diện tích để xây dựng giai đoạn 1 là hơn 2.500 ha đã được bàn giao đầy đủ.
Dự án nhà ga đến nay đã chọn được nhà thầu và đang triển khai. Theo tiến độ, nếu chậm nhất, nhà ga sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.
Các dự án thành phần khác hiện nay đang bám theo tiến độ của dự án nhà ga. Nhiều dự án đang có tiến độ nhỉnh, nhiều dự án đảm bảo tiến độ.
Đại diện Bộ GTVT thông tin, Chính phủ chưa trình Quốc hội về việc kéo dài thời gian xây dựng và hoàn thành dự án sân bay Long Thành, vì Bộ GTVT đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ đến mức tối đa và cố gắng phấn đấu vượt tiến độ. Nếu đẩy vượt tiến độ được 6 tháng thì cũng đảm bảo được tiến độ hoàn thành vào năm 2025.
Quy tụ những nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới tài chính Việt Nam đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán đầu ngành.
Cùng thảo luận về những chủ đề nóng nhất, trọng tâm nhất xoay quanh bức tranh kinh tế 2024, triển vọng kinh doanh các ngành.
Và một cuộc trình diễn độc đáo của số liệu và công nghệ hỗ trợ đầu tư. Với sự xuất hiện của công cụ phân tích dòng lệnh (Order Flow) đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới chủ yếu là được các quỹ tại Anh, Mỹ và các tổ chức trading chuyên nghiệp ứng dụng và hiện chưa phổ biến cho số đông nhà đầu tư.
Với những thông tin có giá trị cao từ các chuyên gia hàng đầu, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” không chỉ hữu ích với các nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản mà còn hỗ trợ các nhà kinh doanh, các nhà hoạch định lên kế hoạch kinh doanh phù hợp cho năm 2024.
Số lượng có hạn, đăng ký ngay tại đây.